Lý thuyết tổng quát TKCYT Dưỡng sinh - thế hệ 1 (tham khảo) Tàng thư các

Bài 5 – Quá trình làm chủ khí

Quá trình luyện tập Khí công là quá trình làm chủ Khí( ). Quá trình làm chủ Khí được diễn giải qua ba giai đoạn:
– Giai đoạn Hình như: là trạng thái cảm giác của khí và có thời gian, cường độ ở mức độ thấp. Đây là thời kỳ bắt đầu khi phản ứng Khí biểu hiện không rõ ràng, làm cho người luyện cảm thấy hình như nóng, hình như lạnh, hình như có, hình như không, hình như thấy nặng nặng, hình như thấy tê tê tức tức,v.v… trạng thái này gây cảm giác lẫn lộn. Khi đó nếu tập trung luyện tập, đồng thời có hướng dẫn viên hỗ trợ thì sẽ nhanh chóng vượt qua giai đoạn này, mà chuyển sang giai đoạn “có lẽ”.
– Giai đoạn Có lẽ: là trạng thái cảm giác của khí và có thời gian, cường độ ở mức độ cao và rõ rệt hơn. Giai đoạn này còn gọi là giai đoạn thực giác, tức là cảm giác thấy có lẽ nóng thật, có lẽ lạnh thật, thấy cảm giác nặng chĩu hay tê tê tức tức,v.v… Những phản ứng khí hóa có thời gian biểu hiện và có đủ mức độ biểu hiện, nghĩa là có “thực giác”.
– Giai đoạn Chắc chắn : là trạng thái làm chủ được các cảm giác về sự hoạt động của khí, còn gọi là quá trình “chân giác”. Muốn cho nóng thì sẽ nóng, muốn cho lạnh thì sẽ lạnh, muốn làm gì thì sẽ làm được như vậy.
Khả năng làm chủ Khí ban đầu dựa vào khả năng khí cảm. Khí cảm là sự cảm nhận về sự tồn tại và hoạt động của Khí, thông qua hệ thống thần kinh của cơ thể. Cảm giác này trải qua các thời kỳ như sau :
• Thời kỳ động khí : Khí tập trung tâm ý tới đâu, vận khí tới đâu trong cơ thể thì tại đó phải có phản ứng động khí, nghĩa là tại đó thấy có cảm giác khác bình thường.
• Thời kỳ khí cảm : trải qua 4 hiệu ứng khí cảm từ thấp đến cao. Mức độ thứ nhất là hiệu ứng nhiệt độ, thấy cảm giác nóng hoặc lạnh tại vị trí quán tụ. Mức độ thứ hai là thấy hiệu ứng áp suất, thấy cảm giác căng, tức, nặng. Mức độ thứ ba là thấy hiệu ứng lan truyền, thấy cảm giác tê chạy trong cơ thể (nếu để ý sự tê chạy đó theo các đường kinh lạc). Mức độ cuối cùng là thấy hiệu ứng nhu động, cảm giác thấy xoay đảo và vận động bên trong.
Thông qua các hiệu ứng nói trên, khi luyện tập đến mức độ cao sẽ cảm nhận được tính chất của khí. Luyện về âm khí sẽ có cảm giác mát lạnh, luyện về dương khí sẽ có cảm giác ấm nóng, luyện với xung thì phải thấy nóng rực. Luyện Tâm khí có cảm giác nhiệt nóng, luyện Can khí có cảm giác tê chạy, (Những người luyện và hành về nhân điện rất hại gan. Vì gan là tính điện (phong động) nếu lạm dụng quá thì sẽ hại về gan và mật), luyện Tỳ khí có cảm giác nặng, luyện Phế khí có cảm giác nhẹ, luyện Thận khí có cảm giác mát lạnh (Riêng về Thận khí, khi ban đầu mới luyện có thể thấy nóng, nhưng không để trạng thái đó kéo dài và nóng quá. Như vậy không đúng tính chất của Thận khí. Do tính chất bệnh lý khi tác động vào Thận thì tà khí phát ra xung quanh gây nên cảm giác nóng, sau khi đ• giải hết tà khí thì phải quán về đúng với tính khí của Thận là lạnh).
Để có khí cảm (nói khác đi là đưa được cơ thể vào trạng thái Khí luyện) phải trải qua 3 giai đoạn nói trên. Khi đã cảm nhận một cách chắc chắn thì bắt đầu thu ngoại khí, ví dụ như khi ở môi trường nóng thì thu vào để bổ Tâm, ở môi trường phong động (sấm chớp, gió b•o) thì thu vào để bổ Can, thấy môi trường ẩm nặng thì thu vào để bổ Tỳ, môi trường khô nhẹ thì thu vào để bổ Phế, môi trường lạnh thì thu vào để bổ Thận.
Đặc biệt lưu ý đã có thu thì phải có xả.
Dựa vào nguyên lý nói trên thì khi có khí hậu nóng bức của mùa hè thu khí vào Tâm, có khí hậu giông bão sấm chớp thì thu vào Can, khí hậu ẩm ướt thu vào Tỳ, khí hậu hanh khô thu vào Phế, khí hậu lạnh giá của mùa đông thì thu vào Thận. Ngũ tạng Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận tương ứng với ngũ hành Hỏa, Mộc, Thổ, Kim, Thủy. Từ đó tận dụng tác nhân ngoại thể để luyện tập, mà không phải chỉ nhắm mắt ngồi đó một cách thụ động.
Theo ngũ hành tương sinh thì Can là mộc, nếu gặp cây đại thụ xanh tươi tốt lành thì thu vào Can( ). Tỳ là thổ, nếu gặp nơi linh địa phải thu vào Tỳ. Phế là kim, cho nên gặp kim loại tốt thì thu vào Phế. Thận là thủy, nếu gặp nơi có nguồn nước thanh thủy hay linh thủy phải thu vào Thận mà bổ.
Còn theo ngũ hành tương khắc, ví dụ nếu Tâm hỏa vượng thì phải dùng hàn thủy để chế bớt, lấy thủy chế hỏa (trường hợp này phải hết sức cẩn thận, tránh xảy ra trường hợp hỏa cương gặp hàn cực sẽ sinh bế tắc, phải đưa hàn thủy vào Tâm một cách từ từ, không để gây co thắt tim rất nguy hiểm)… Và tương ứng như vậy với tạng và hành khác.
Làm chủ Khí cũng như làm chủ những vấn đề khác, càng làm chủ được nhiều thông số càng tốt. Trước hết làm làm chủ Khí cảm, sau rồi đến làm chủ Khí quang và cuối cùng là làm chủ Khí hình. Khí cũng như các dạng bức xạ vật chất khác, khi mức độ bức xạ cao sẽ có hiện tượng phát quang, hay gọi là xuất hiện dạng bức xạ quang sắc. Đó là đặc trưng cho bức xạ năng lượng ở tầm mức cao. Khi đã làm chủ Khí cảm, cảm nhận của con người sẽ nâng lên một bước nữa làm chủ quá trình phản ánh (bức xạ quang sắc – khí quang) và nhận biết thêm một thông số nữa của Khí là quang khí và màu sắc của nó. Màu sắc và ánh sáng ở đây mang tính chất vô hình, không thể nhận biết bằng ngũ quan được. Ngũ quan của con người bình thường có những hạn chế nhất định của nó, những gì con người không nhận biết được bằng ngũ quan không có nghĩa là điều đó không tồn tại. Mặc dù không nhận biết được nhưng nó vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến con người, đến cuộc sống của con người. Đó là những sự tồn tại vô hình, được phản ánh qua cơ quan cảm nhận của con người là vùng trán và ấn-đường. Vùng trán là nơi phản ánh, còn ấn-đường làm nhiệm vụ điều khiển. Do đó phải kích thích, khai mở được ấn-đường để có thể tiếp nhận được ánh sáng màu sắc. Con người phải trải qua một quá trình cảm nhận ánh sáng, khi nhắm mắt lại sẽ thấy nó sáng ra (vùng trán) thì đó là ánh sáng vi tế, ánh sáng vô hình. Sau đó ánh sáng đó được biểu hiện theo 5 màu cơ bản (ngũ sắc) : đỏ, xanh, vàng, trắng bạc, đen nhung. Những màu sắc đó rất rực rỡ một cách khác thường, khác hẳn những màu sắc mà con người đã cảm nhận được bằng ngũ quan thông thường. Khi đã cảm nhận được Khí quang thì cần phải rèn luyện nhiều để làm chủ được chúng, làm chủ được sự biểu hiện màu sắc mang tính đặc trưng của chúng.
Ví dụ như đồng mức tạng Tâm là màu đỏ (chẳng hạn như khi nhắm mắt lại thấy màu đỏ rực lên lập tức thu ngay về Tâm). Màu xanh tương ứng với Can, màu vàng tương ứng với Tỳ, màu trắng tương ứng với Phế, và màu đen nhung tương ứng với Thận. Khi thấy màu trắng nhưng có phớt hồng, thì có đủ lý do để nghĩ đến viêm kết ở Phế, và khi thanh xả để cho màu trắng trong trở lại tức là đã hết viêm kết.
Những màu sắc đặc trưng nói trên trong quá trình luyện tập sẽ tiến đến một vấn đề quan trọng là có khả năng hội tụ thành một khối ánh sáng hình cầu (đơn sắc hoặc ngũ sắc). Mối quan hệ giữa bên trong cơ thể con người với bên ngoài, sự tương tác giữa nội lực và ngoại lực, giữa nội khí và ngoại khí và sự cân bằng đó tạo ra khối ánh sáng hình cầu đã nói ở trên. Sự cân bằng nội ngoại tạo ra những khối ánh sáng hình cầu tại những vị trí nhất định trên cơ thể gọi là tâm lực, mà còn gọi là hệ thống luân xa. Gọi là luân xa vì nó xoay tròn như những bánh xe. Còn tương tác giữa nội khí và ngoại khí ở tầm mức cân bằng cao sẽ tạo ra khối cầu. Trên cơ sở đó mà người ấn độ phát hiện ra và đề cập đến luân xa. (Hình tròn hoặc khối cầu là bền vững nhất, đẹp nhất, hoàn chỉnh nhất).
Trên đây là những khái niệm về việc làm chủ Khí của con người, còn sự khai mở là gì ? Khi đã đạt được hiện tượng Khí quang, hiện tượng ánh sáng, ở những tầm mức ánh sáng, tầm mức thông tin, tầm mức vi tế cao, chính những điều đó đã tác động đến quá trình hoạt động của thần kinh mang tính điều khiển, mà thông thường vẫn gọi là “cái Tâm”. Khi con người mắc bệnh thì cả tâm lực, cả thể lực đều bị. Trước hết đối với thể bệnh thì phải chữa trị bằng Khí lực, bằng năng lượng (phần thực), bằng Khí cảm. Còn chữa tâm bệnh phải chữa bằng ánh sáng, bằng Khí quang, bằng năng lượng thông tin (phần thanh). Chữa trị phải theo quá trình đồng bộ, đồng mức, đồng cấp mà không thể làm ngược lại. Những bệnh rối loạn thần kinh thực vật là bệnh khó chữa trị (như rối loạn thần kinh tim), nhưng có thể xử lý được bằng cấp độ ánh sáng, đưa sự hoạt động của nó trở lại tự nhiên bằng cách tác động vào các luân xa của nó.
Sau khi đã trải qua quá trình hình như – có lẽ – chắc chắn, rồi dần dần đạt được công năng Khí quang. Khi đó muốn ra màu gì sẽ ra màu đó, muốn đỏ sẽ vận Tâm khí ra, muốn xanh sẽ vận Can khí ra,… muốn tụ thành khối hình cầu sẽ ra quả cầu, và càng luyện tốt sẽ làm chủ Khí ở tầm mức cao hơn. Tầm mức cao hơn của công năng Khí quang là công năng Khí hình. Thông thường con người có tính hướng ngoại, những cái nhìn của con người vẫn mang tính chất bề ngoài thông qua những trung gian, thông qua những so sánh. Đó là cái nhìn bề ngoài vì con người không có khả năng nhìn nhận trực tiếp và thực tế bản chất sự vật. Đã là cái nhìn bề ngoài, nhìn qua trung gian, căn cứ vào hiện tượng thì bao giờ cũng có dung sai, và như vậy khi chẩn bệnh bao giờ cũng dẫn đến sai lầm. Từ sai lầm sẽ dấn đến gây ra tác hại, ra nguy hiểm. Chỉ có điều sai ít hay sai nhiều, mức độ tác hại và nguy hiểm ít hay nhiều mà thôi. Muốn chẩn bệnh chính xác con người phải có cái nhìn bản chất, quan sát thấy thực chất của sự vật và hiện tượng. Đây chính là lợi thế của các nhà Khí công, có khả năng sử dụng khí hình nên quan sát được bản chất và nguồn gốc của bệnh lý. Từ đó đưa ra khả năng chẩn bệnh tốt và do đó sẽ có cơ sở chữa trị tốt. Cụ thể hơn nữa, một trong những công năng Khí hình của các nhà Khí công là công năng ngoại soi. Chẳng hạn như chữa bệnh tim, khi ngoại soi sẽ quan sát được cấu tạo bên ngoài, bên trong của tim và những nguyên nhân gì làm cho rối loạn chức năng của tim.v.v… Từ những quan sát thực tế đó sẽ sử lý được chính xác hơn. Khi ngoại soi là quan sát thông qua các hình ảnh sống động thực, hình ảnh bản chất, cấu tạo thực thể. Từ những kết quả đạt được do công năng Khí hình, con người sẽ nắm bắt được bản chất của sự vật và hiện tượng, và có khả năng làm chủ được nó.
Công năng Khí hình là công năng cao nhất của con người. Nó đưa con người sang một bước ngoặt mới của cuộc sống. Con người sẽ nhìn nhận đúng bản chất của mình. Sự tồn tại của con người bao gồm cả trong từ “Con” và từ “Người”. Từ “Con” nói về thể chất thực thể, về bản chất động vật của con người. Từ “Người” lại nói về sự tồn tại bậc cao, có khả năng nhận biết chân thực, đó là công năng Khí hình. Khi đạt được công năng Khí hình, con người sẽ tiếp cận được tầm mức vi tế, tiếp cận được những vấn đề siêu tự nhiên hay còn gọi là tiếp cận được với thế giới tâm linh.
Khi có công năng Khí hình sẽ giải quyết cho con người nhiều vấn đề. Tất nhiên khả năng làm chủ Khí hình nói riêng, cũng như khả năng làm chủ Khí nói chung đều phải trải qua nhiều giai đoạn, từ hình như đến có lẽ rồi đến chắc chắn. Khi đã có cái nhìn chân xác, kèm theo một khả năng nhất định thì con người có thểlàm chủ hoàn toàn cuộc đời của mình.
Là một nhà Khí công phải nắm vững lý luận, phải có công năng, có quyền năng và đầy đủ kinh nghiệm. Con đường luyện Khí công không chỉ dừng lại ở mức dưỡng sinh thuần thúy mà phải được tu luyện nâng cao. Nói khác đi, muốn dưỡng sinh tốt là phải nâng cao tầm mức sinh học của cơ thể, nâng cao tầm mức tồn tại sinh học của con người. Khi luyện tập để làm chủ Khí hình và đi vào được không gian năng lượng, thì những tầm mức vật chất không thể ảnh hưởng đến con người, những rối loạn vật chất không thể nào ảnh hưởng đến con người được. Đó là kết quả của quá trình là chủ Khí.
Muốn dưỡng sinh tốt, muốn chữa bệnh tốt phải nâng cao khả năng sinh học, nâng cao khả năng tồn tại. Chính vì vậy con người phải tu luyện để dần dần thoát khỏi sự chi phối của ngoại cảnh, thoát khỏi sự rối loạn của chính bản thân mình, thoát khỏi sự bế tắc của chính mình, giành lấy quyền chủ động cho chính mình, phải là người quyết định cho chính số phận của mình. Nói khác đi, con người phải tìm lấy cái “tĩnh” để chế cái “động” của ngoại cảnh.

Gửi phản hồi