Lý thuyết tổng quát TKCYT Dưỡng sinh - thế hệ 1 (tham khảo) Tàng thư các

Bài 6 – Bản chất của phương pháp luyện khí công.

Đó là bản chất của kỹ thuật “vận khí”, làm sao làm chủ được Khí để vận hành nó trong cơ thể theo ý muốn của mình, theo mục đích của mình. Các yếu tố chính của quá trình Khí vận bao gồm :
1. Hơi thở Khí công
Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu. Rất nhiều người còn nhầm lẫn rằng Khí công chỉ thuần thúy là luyện thở. Tất nhiên khâu đầu tiên của Khí công là luyện thở, qua đó không những làm cho hơi thở trong phổi và trong cơ thể của mình tốt hơn, mà còn làm cho các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể được tốt hơn. Nhưng đó chỉ là luyện cho Khí Hậu thiên. Bản chất Khí công còn luyện sao cho làm chủ được Khí Tiên thiên của con người. Như vậy hơi thở trong Khí công phải là hơi thở thể hiện được mối quan hệ đồng bộ giữa hơi thở của con người với năng lượng vận hành trong cơ thể.
Khi thở trong quá trình luyện Khí công có 4 trạng thái chính, hay còn gọi là 4 nhịp của một chu trình thở :
– Đi vào (nhịp hít vào). Thu khí từ bên ngoài vào bên trong cơ thể
– Nén tụ (nhịp nín thở). Nén tụ khí lại để kích thích tác động cho quá trình phát sinh Tiên thiên khí, phát động cơ năng và chức năng của Khí.
– Đi ra (nhịp thở ra). Đưa khí trong cơ thể ra ngoài.
– Tán xạ (nhịp ngưng thở). Tán xả dư khí, trọc khí ra xung quanh.
Trong quá trình thu vào, Khí đi từ trên xuống gọi là trạng thái giáng Khí. Quá trình đưa ra, Khí đi từ dưới lên gọi là trạng thái thăng Khí. Muốn làm chủ quá trình thu xả phải có sự đồng bộ giữa hoạt động của Khí và nhịp thở. Khi thu vào giáng Khí xuống đồng thời với nhịp hít vào, khi đưa ra Khí thăng lên đồng thời với nhịp thở ra. Tóm lại trong nhịp hít vào, Khí đi từ trên xuống và từ ngoài vào trong cơ thể. Khi nén tụ lại phải nín thở, nghĩa là không thở trong trạng thái ép căng gân cơ. Động tác nén là tạo điều kiện cho sự tụ Khí được hoàn hảo. Muốn vận khí đi phải thực hiện trong nhịp thở ra. Và muốn tán xả ra ngoài phải thực hiện trong nhịp ngưng thở. Động tác này cũng là không thở nhưng thực hiện trong trạng thái thư giãn gân cơ (ngược với trạng thái nén tụ). Vận khí ra rồi ngưng thở và thư giãn để tán xả ra ngoài.
ảnh hưởng của nhịp thở đến hoạt động của nội tạng :
Khi hít vào sẽ kích thích hoạt động của tạng Tâm, Phế. Khả năng hít vào sâu, đều, chậm thì chứng tỏ hoạt động của Phế tốt, khả năng cung cấp dưỡng khí cho máu tốt, đồng thời điều tiết được nhịp tim ổn định. Nghĩa là hít vào tốt thì hoạt động của Tâm – Phế cũng tốt.
Tương tự, khi nén tụ tốt thì kích thích hoạt động của Tỳ – Vị và hệ tiêu hóa tốt. Và thở ra tốt thì kích thích hoạt động của Can – Thận tốt. Khi ngưng thở thì kích thích hoạt động của hệ thần kinh. Nếu hệ thần kinh hoạt động kém thì phải luyện nhịp ngưng thở cho tốt (vì hoạt động của hệ thần kinh bị ảnh hưởng do tán xả kém).
Chính vì lẽ trên mà hơi thở trong Khí công được phân thành 4 chu kỳ, gọi là thở bốn thì. Chu kỳ hít – nén – thở – ngưng đó có thể đồ thị hóa thành một hình vuông đều cạnh, nghĩa là trường độ của các thì phải tương đương bằng nhau. Yêu cầu của hơi thở Khí công phải sâu, đều, chậm, nhẹ nhàng. Thở sâu trong nhịp hít vào thì mới tạo ra động năng đưa được nhiệt từ Tâm (Tâm hỏa) xuống Đan-điền để kích chưng Chân khí( ). Thở đều để tránh mọi rối loạn, để điều hòa theo tự nhiên mọi hoạt động của cơ thể. Thở chậm để tạo điều kiện về thời gian cho các quá trình sinh học trong cơ thể diễn ra được đầy đủ (trao đổi, tương tác, phản ứng). Đặc biệt càng thở chậm bao nhiêu thì càng giảm được nhịp sinh học xuống bấy nhiêu. Hơi thở càng chậm thì quá trình lão hóa diễn ra trong cơ thể càng chậm bấy nhiêu. Hơn nữa hơi thở phải nhẹ nhàng để tránh đột biến, nhiều người không thở được nhẹ nhàng mà Khí bị trầm xuống không thông thoáng. Ngoài ra hơi thở phải đồng bộ với hoạt động của gân cơ trong cơ thể. Khi hít vào thì hệ thống gân cơ bị ép dần lại và căng dần lên. Khi nén tụ gân cơ ở trạng thái bị căng cực độ, khi thở ra thì trạng thái đó được giãn dần, và khi ngưng thở thì hệ thống gân cơ thư giãn hoàn toàn.
Trong quá trình luyện thở 4 thì cần có sự nỗ lực và chuyên cần, mỗi ngày cố gắng một chút, ngày càng kéo dài chu kỳ hơi thở của mình lên. Khi mới tập thì có lẽ cảm thấy quá sức, nhưng càng tập càng thấy tốt dần lên. Mỗi ngày khi luyện thở cố lên một chút thì chính sự cố gắng này sẽ tạo ra phản ứng Khí hóa. Tuy nhiên trong quá trình luyện thở, luyện Khí phải tránh sự loạn động, cho nên chỉ cố một chút nếu quá đi sẽ sinh ra loạn khí. Hơi th ở mà loạn sẽ sinh ra loạn Tâm, mà hoạt động của Tâm bị rối loạn làm cho quá trình khí – huyết lên não bộ bị rối loạn và thay đổi theo. Từ đó dẫn đến rối loạn Tâm thức, Tâm thức mà rối loạn sẽ dễ dàng bị chi phối ảnh hưởng đến khả năng làm chủ của con người, kể cả khả năng làm chủ Khí. Muốn đinh Khí trước tiên Tâm phải định. Muốn tập trung được Khí thì hơi thở phải tập trung và Tâm phải tập trung (tĩnh).
Khí là một dạng bức xạ năng lượng, mà hoạt động của bức xạ năng lượng bào gồm hai thành phần : động năng và thế năng. Động năng của Khí được tạo ra nhờ hơi thở. Còn thế năng được tạo ra nhờ sự quán khí. Muốn thực hiện quá trình thu hoặc vận khí, phải quán từ trên rất cao và từ dưới rất sâu để tạo ra thế năng cho quá trình đó.
2. Sự quán khí 
Đó là sự quán tưởng về sự hoạt động của quá trình khí. Quán là sự tập trung tư tưởng theo hơi thở. Quán tưởng có hai phương thức : tụ quán và hành quán. Tụ quán là sự tập trung tư tưởng vào một vùng hay một điểm trên cơ thể. Càng tập trung tư tưởng bao nhiêu thì Khí lực trong cơ thể càng tập trung bấy nhiêu. Hành quán là tập trung tư tưởng đi theo một đường (thường là theo đường kinh lạc trên cơ thể). Ví dụ theo mạch Nhâm từ trên xuống hoặc tuần tự theo các đại huyệt trên mạch Nhâm cũng từ trên xuống. Tương tự như vậy với các kinh lạc khác.
Trong phương pháp tư tưởng của môn pháp Tĩnh Khí công thế tụ quán là tập trung vào một vấn đề, không để bị những vấn đề khác chi phối. Hành quán là tập trung vào một chương trình vào một quá trình, không để cho những chương trình khác hay quá trình khác làm cho ảnh hưởng. Đó là Tâm pháp. Sau đó phải có sự tưởng tượng, hình dung để tạo điều kiện cho những hưng phấn thần kinh tốt, tạo ra trạng thái gần như “tự kỷ ám thị”. Hưng phấn thần kinh là tạo ra năng lực hoạt động của Khí, tạo ra thế năng và động năng cho Khí. Hưng phấn thần kinh là cơ sở đầu tiên tạo điều kiện phát động Khí. Nhưng trong quá trình tạo ra hưng phấn thần kinh (có lợi cho sức khỏe) phải có sự định hướng mà không lụy vào nó. Sự tưởng tượng hình dung chỉ tồn tại trong giai đoạn hình như của quá trình làm chủ Khí mà thôi. Sang giai đoạn có lẽ và chắc chắn phải chủ động thoát ra khỏi sự tưởng tượng, mà thay bằng cảm nhận thực sự, bằng “chân giác”.
Cuối cùng quá trình quán tưởng đó phải tập trung vào quá trình Khí, vào quá trình phát sinh, vận hành và biến vi hoạt dụng của Khí. Đưa vào quá trình Khí là đi vào theo các phác đồ, theo các chu trình hoạt động của Khí. Ví dụ như Chân khí được kích chưng phát sinh tại Đan-điền và vận hành trong Nhâm Đốc nhị mạch, đó là chu trình của Đan-điền công.v.v…
3. Khẩu quyết (mật lệnh)
Đây là một trong những yếu tố quan trọng. Khẩu quyết là tiếng đọc thầm trong đầu, chủ động hướng dẫn về từng giai đoạn của một chu trình luyện Khí nào đó. Khẩu quyết chính là mã khóa tâm thức, là một phản xạ có điều kiện, đó là sự chương trình hóa một quá trình được lập đi lặp lại nhiều lần thành phản xạ có điều kiện. Các công pháp hay phương pháp đã được chương trình hóa, khi sử dụng chỉ cần đọc thầm khẩu quyết hay mã khóa tâm thức là có thể phát động được công pháp hay phương pháp đó. Nó đảm bảo tính thời gian kịp thời và hiệu quả cao. Khi chưa lập được chương trình hóa các công pháp hay phương pháp, nếu trường hợp bình thường và có sự chuẩn bị trước thì có thể vận dụng cho việc chữa trị được. Nhưng khi ngộ sự bất thường sẽ không kịp xử lý. Ví dụ như khi đang đi ngoài đường ngộ cảm, nếu chưa quen, chưa thành thạo vận dụng các bài điều trị, chưa có mã khóa tâm thức, chưa có chương trình hóa thì việc xử lý sẽ khó khăn và không kịp thời. Vì vậy phải có quá trình công phu luyện tập, làm sao có sẵn mã khóa tâm thức, có sẵn chương trình hóa cho mọi trường hợp. Chẳng hạn như luyện Đan-điền công, phải có công phu luyện đi luyện lại nhiều lần thì khi chỉ cần đọc khẩu quyết “Đan-điền sinh khí” là tất cả các quá trình “khai, thu, tụ” đã được làm xong, rất nhanh và hiệu quả cũng rất cao, chỉ cần đọc xong khẩu quyết đã cảm thấy trong bụng (tại Đan-điền) đã ấm nóng lên rồi. Sau khi sử dụng khẩu quyết quen rồi, quá trình Khí sẽ chuyển sang tự động hóa, khi chỉ nghĩ đến phát động Khí tại Đan-điền là đã cảm giác thấy nó ấm nóng lên rồi. Và khi tự động hóa đến mức cao độ thì không cần khẩu quyết, không cần suy nghĩ mà cơ thể vẫn tự hành động. Con người chuyên cần lắm, giỏi nhất mỗi ngày chỉ luyện được 4h, còn 20h nữa luyện cách nào. Nếu bất cẩn trong 20h đó sẽ phá hủy công quả của 4h đã luyện. Vì vậy phải làm cho cơ thể nhập được vào trạng thái luyện tự động để tâm trí cho những việc khác nữa. Hoặc luyện cho cơ thể thích nghi được với thời tiết khí hậu, thích nghi với môi trường ngoại cảnh, sao cho bất cứ điều kiện nào cũng không ảnh hưởng đến cơ thể. Như vậy mới thực sự là quá trình luyện đạt được kết quả cao.
Quá trình luyện Khí công bắt đầu từ giai đoạn Tĩnh luyện, luyện tập trong trạng thái tĩnh, trong môi trường yên tĩnh. Khi tĩnh luyện đã đạt được kết quả nhất định sẽ chuyển sang giai đoạn Thiền luyện. Nghĩa là đưa cơ thể vào trạng thái tập trung cao độ, gạt bỏ được tất cả ảnh hưởng của ngoại cảnh. Nếu gặp được hoàn cảnh thuận tiện (nhất là ở các vùng linh địa yên tĩnh), phải tập trung cao độ mà chuyên cần luyện tập để thu được kết quả cao. Tuy vậy con người bình thường vẫn là người xử thế, vẫn phải sống trong cuộc sống đời thường, vì vậy sau khi đã trải qua tĩnh luyện và thiền luyện cần phải chuyển qua giai đoạn tu tập mức độ cao hơn nữa là hành luyện. Nghĩa là ngay trong khi đang làm việc, đang đi trên đường mà luyện Khí được, vẫn thu vẫn hành vẫn xả.
Tĩnh luyện, Thiền luyện và hành luyện vẫn là quá trình luyện khi cơ thể đang trong trạng thái thức. Nhưng còn tầm mức cao hơn nữa là mộng luyện, đó là luyện trong trạng thái ngủ. Đây là đưa quá trình luyện tập vào giấc ngủ để khai thác cơ chế vô thức. Chẳng hạn trước khi ngủ luyện bài Đan-điền công, sau khi kết thúc đọc khẩu quyết “Duy trì Đan-điền công” rồi đi ngủ. Như vậy trong giấc ngủ vẫn cảm giác được là mình đang điều khí. Phương pháp luyện đó gọi là mộng luyện. Đây là cơ chế tự động hóa cao nhất của quá trình luyện Khí. Đến lúc này con người có thể tùy thuộc vào điều kiện thực tại mà áp dụng các mức độ luyện tập, Tĩnh luyện, Thiền luyện, hay hành luyện hoặc mộng luyện. Qua thời gian luyện tập, sau khi đã đạt được một mức độ công năng nhất định, con người phải khai thác cơ chế hư tĩnh ( ) để dần dần đưa cơ thể vào trạng thái tiềm thức, vào trạng thái thiền định và trạng thái đại định. Trong trạng thái hư tĩnh sẽ sinh ra cơ chế tự động, tự động điều chỉnh, tự động chữa bệnh, tự động khai mở.v.v…
Công phu hay sự tu luyện chuyên cần là một điều cực kỳ quan trọng. Phải hiểu rằng mọi khả năng của Khí công đều được nẩy sinh trong quá trình thực hành và tu luyện, thực hành trong chính bản thân mình và với điều kiện ngoại cảnh. Khả năng, công năng và quyền năng của người luyện Khí công không phải bẩm sinh hay bỗng dưng mà có, mà phải do quá trình thực thụ tu luyện với bản thân và với các tác nhân, các đối tác. Đơn giản chẳng hạn như muốn xả khí lạnh thì phải cầm vào vật nóng mà xả, nghĩa là vừa xả bớt khí lạnh vừa thu khí nóng vào để cân bằng âm dương trong cơ thể.
Tóm lại luyện Khí công khởi đầu là phải luyện thở 4 thì. Sau đó kết hợp thở 4 thì với quán tưởng hành luyện Khí, tiếp theo chuyển sang luyện quán tưởng cùng với khẩu quyết mà tạm quên đi hơi thở. Khi luyện đã tốt rồi thì chỉ cần luyện với khẩu quyết. Khi luyện với khẩu quyết có kết quả tốt thì sau đó là theo cơ chế luyện tự động. Ban đầu dùng hơi thở để tác động vào Khí và làm chủ Khí. Sau đó dùng tâm ý làm chủ Khí đồng thời làm chủ luôn cả hơi thở, khi đó hơi thở đi vào trạng thái tự động hóa. Tiến tới mức cao hơn nữa khi muốn thu Khí vào là hệ thống gân cơ trong cơ thể tự động nén lại và căng lên để Khí đi vào cơ thể, đồng thời nhịp thở cũng tự nhiên ở trạng thái hít vào. Khi muốn vận khí đi là nhịp thở tự nhiên ở trạng thái thở ra, đồng thời cơ thể tự động dãn hệ thống gân cơ và Khí sẽ dễ dàng vận hành theo ý muốn. Khi muốn tán xả cơ thể tự nhiên ngưng thở, hệ thống gân cơ tự động thư giãn hoàn toàn. Như vậy tuần tự các bước luyện trước hết lấy hơi thở làm chủ Khí, sau đó lấy Khí làm chủ hơi thở rồi làm chủ tất cả, bao trùm lên toàn bộ từ đầu đến cuối là Tâm ý phải luôn luôn làm chủ tất cả.

Gửi phản hồi