Lý thuyết tổng quát TKCYT Dưỡng sinh - thế hệ 1 (tham khảo)

Bài 7 – Các nguyên lý căn bản của khí công

1. Nguyên lý thứ nhất : Thuận tự nhiên

Các quá trình hay chu trình hoạt động của con người đối với bên trong cũng như đối với bên ngoài cơ thể đều phải thuận tự nhiên. Không được gò ép, không cố ghép cái này với cái kia. Chu trình vận khí cũng như các quá trình làm chủ Khí đều không được làm trái với quá trình tự nhiên, không làm trái với bản chất, với thuộc tính, với qui trình của nó. Phải đảm bảo thuận tự nhiên ở trong cơ thể với tự nhiên bên ngoài vũ trụ.
Khi luyện Khí công ở mức độ cao thì không còn cái gì là khó, không còn cái gì là tốt là xấu nữa, mà chỉ còn cái gì là phù hợp và không phù hợp mà thôi. Khi đã biết nguyên lý thuận tự nhiên rồi, thì điều kiện ngoại cảnh ra sao có thể đưa vào vận hành trong sự tương ứng. Chẳng hạn vào mùa đông lạnh thì kết hợp cái lạnh bên ngoài và sự tự nhiên bên trong để luyện Thận, hoặc như màu hè nóng thì kết hợp cái nóng bên ngoài và sự tự nhiên bên trong để luyện Tâm,… đó là thuận pháp hay chính pháp. Mà đã có thuận thì có nghịch và có tà pháp. Thuận pháp là phương pháp đảm bảo sự hoàn thiện, chính pháp là luôn luôn hoàn thiện. Nghịch pháp là phương pháp chỉ vì mục đích mà bất chấp tất cả, thậm chí hy sinh hoặc chà đạp lên mọi pháp lý, đạo lý, áp dụng các phương pháp tà độc, sử dụng các tà thuật, các tác nhân tà mị. Có khi dùng độc dược, các chất kích thích, thậm chí cả ma túy để ép cho cơ thể bật ra một công năng nào đó. Như vậy công năng đó không bền vững, mà nhiều khi còn rất nguy hiểm cho chính bản thân người dùng.
Theo nguyên lý thuận tự nhiên sẽ đạt được sự hoàn thiện bên trong cơ thể, và hoàn thiện cả với các mối quan hệ bên ngoài. Trong lịch sử Y học từ trước đến cho đến nay, hiện tại đang là thời kỳ Y học hóa giải và hòa đồng. Sự hóa giải nghĩa là thuận theo tự nhiên, hòa hợp với qui luật của tự nhiên. Bên ngoài nóng lên thì cơ thể nóng lên theo, bên ngoài lạnh thì cơ thể cũng lạnh theo. Không có sự sung đối và luôn luôn cân bằng. Thuận tự nhiên tức là trở về bản ngã, trở về cái nhân bản đích thực.
2. Nguyên lý thứ hai : ý – Khí – Lực
Cổ nhân diễn giải nguyên lý này như sau : “Dụng tâm dẫn ý, dụng ý sinh Khí, dụng Khí tạo Lực”.
Dụng tâm là dùng ý niệm, dùng khẩu quyết để tập trung tư duy, tập trung tư tưởng, tập trung được khí lực trong cơ thể, tập trung được năng lượng vào mục đích, tập trung vào bộ vị cần thiết để kích thích hoạt động của nó. Có tập trung cao độ thì mới tạo được lực để tác động vào các quá trình sinh học trong cơ thể.
Đây là nguyên lý cơ bản của Khí công, phải dụng Tâm là tập trung ý tưởng mới kích chưng sinh Khí và tạo được lực.
3. Nguyên lý thứ ba : Thái cực tương hợp

Nguyên lý này vận dụng theo những quan niệm của Kinh Dịch (một trong những pho triết học cổ đại Đông phương). Bao gồm những vấn đề cơ bản như sau:
3.1- Âm – Dương cân bằng:
Trong cơ thể con người âm – dương luôn luôn cân bằng. Sự cân bằng đó dựa trên cơ sở sau :
– Bản tính là Dương thì hoạt tính là Âm. Nếu một vật thể có bản tính là dương mà hoạt tính cũng là dương thì không thể tồn tại. Ngược lại bản tính là Âm thì hoạt tính lại là Dương. Hoạt tính và bản tính của sự vật phải đảm bảo nguyên lý đó thì mới cân bằng và tồn tại.
– Âm trưởng thì Dương tiêu và ngược lại.
– Âm cực thì sinh Dương và ngược lại Dương cực thì sinh Âm.
Con người là Âm Dương tổng hòa nhưng luôn có xu hướng thiên dương (dương hóa) và thực hóa. Chính vì vậy các công pháp luyện Khí công căn bản được bổ sung tăng cường luyện Âm để khắc chế sự thiên lệch đó, dụng Âm chế Dương.
3.2 – Qui luật ngũ hành sinh hóa và khắc chế :
Trong cơ thể con người lấy ngũ tạng làm gốc trong quá trình sinh học. Theo cổ nhân ngũ tạng Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận tương ứng với ngũ hành Hỏa, Mộc, Thổ, Kim, Thủy. Do vậy hoạt động của ngũ tạng cũng tuân theo qui luật ngũ hành sinh khắc, và tương ứng phân ra hai quá trình đồng biến (sinh hóa) và nghịch biến (khắc chế).
• Quá trình đồng biến : Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc lại sinh Hỏa. Tương ứng với ngũ tạng là Tâm hỏa sinh Tỳ thổ, Tỳ thổ sinh Phế kim, Phế kim sinh Thận thủy, Thận thủy sinh Can mộc, Can mộc lại sinh Tâm hỏa.
Nếu Can tốt thì Tâm tốt, nếu Can suy thì Tâm suy. Nếu Can mộc vượng hỏa (nhiệt) thì dẫn đến Tâm hỏa cũng vượng, gây chứng huyết áp cao.v.v…
• Quá trình nghịch biến : Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy lại khắc Hỏa. Tương ứng với ngũ tạng là Tâm hỏa khắc Phế kim, Phế kim khắc Can mộc, Can mộc khắc Tỳ thổ, Tỳ thổ khắc Thận thủy, Thận thủy lại khắc Tâm hỏa.
Nếu Tỳ thổ vượng thực hỏa sẽ làm Thận thủy suy hư, mà Thận thủy suy hư dẫn đến không khắc chế được Tâm hỏa, Tâm vượng thực hỏa bốc lên đầu cũng gây chứng huyết áp cao.v.v…
Quá trình đồng biến (sinh hóa) và nghịch biến (khắc chế) phải ràng buộc lẫn nhau để tạo ra sự cân bằng trong ngũ tạng và cả trong các chu trình sinh học của cơ thể.
4. Nguyên lý thứ tư : Nội ngoại tương đồng

Phải tạo thái tương đồng ở bên trong và bên ngoài của cơ thể con người. Quá trình sinh – hành – biến của Khí cũng phải đảm bảo sự tương đồng. Thu khí vào cơ thể cũng vậy, cũng phải đảm bảo sự tương đồng. Chẳng hạn muốn điều khí vào Tâm để phát động sinh Tâm khí thì Khí đó theo ngũ hành phải thuộc hành hỏa, theo tính chất phải nóng nhiệt có tính hỏa. Khi điều Tâm khí ra nơi khác cũng phải tương ứng theo ngũ hành và tính chất của Tâm. Các quá trình hành – biến cũng phải đảm bảo sự tương đồng, thu phải cân bằng với xả, nén tụ cũng phải cân bằng với tán xả, đưa phần thanh tốt vào phải cân bằng với xả phần thực, trọc ra ngoài (cân bằng thu thanh xả thực).
Nếu không đảm bảo nội ngoại tương đồng sẽ gây ra trạng thái mất cân bằng. Và mất cân bằng sẽ sinh rối loạn, sẽ bị nhập tà, sinh ra kết tụ trong cơ thể, và cuối cùng sinh bệnh. Không bao giờ được để xảy ra tình trạng kết tụ, bởi các chứng bệnh được sinh ra do sự kết tụ của Khí trong cơ thể. Nếu như trong cơ thể luôn luôn cân bằng, không có sự kết tụ thì không có chỗ cho ổ bệnh khu trú, trọc khí bị đào thải ra ngoài, và bệnh tật không có cơ sở phát sinh. Cả những độc hại khác cũng vậy, chúng xâm nhập vào cơ thể, nhưng bị cơ thế cân bằng nội ngoại tương đồng nhanh chóng đào thải chúng, không cho chúng có nơi cư trú, và chúng không cơ sở tồn tại để sinh bệnh trong cơ thể.
Nội ngoại tương đồng là một trong các nguyên lý cơ bản của Khí công.

Gửi phản hồi