Nhập môn tĩnh khí công

Bài 2 – ĐIỀU TỨC CÔNG – HÔ HẤP KHÍ CÔNG

I. Hô hấp khí công

Hô hấp Khí công hay còn gọi là sự thở khí công là sự hô hấp đồng bộ với khí (năng lượng của cơ thể), hay nói cách khác là phương pháp hô hấp để khí hoạt động tốt hơn.

1.Hô hấp Khí công nói chung theo nguyên tắc của cổ nhân là THÂM – TẾ – QUÂN – TRƯỜNG :

– THÂM : hơi thở phải sâu, hình dung tưởng tượng hít sâu xuống dưới bụng. (Hơi thở của chân nhân từ đỉnh đầu đến tận gót chân – Trang tử)
– TẾ : hô hấp phải nhẹ nhàng, êm ái; “thở như rùa thở” !
– QUÂN : hô hấp điều hòa, hơi thở phải đều đặn, ổn định. Nhịp hô hấp không nhanh không chậm.
– TRƯỜNG : thời gian mỗi nhịp thở cần được phải dài (lâu), càng dài càng tốt.
Phối hợp cả 4 yếu tố trên trong một nhịp hô hấp. Nguyên tắc trước hết phải căn cứ vào năng lực của bản thân mình, không cố gắng quá sức. Đầu tiên xác định cho mình thời lượng một nhịp phù hợp với khả năng thực trạng để luyện tập. Trước khi luyện hãy thử nghiệm để xác định quy trình ban đầu phù hợp cho bản mình.
Ban đầu sau mỗi nhịp hô hấp lại điều hòa hơi thở bình thường, sau đó tăng dần tần suất; sau 2, 3 nhịp mới điều hòa, rồi dần dần tăng lên,… Đến khi thực hiện được 12 nhịp hô hấp liên tục mà không biến loạn (nhịp tim không ổn định, ù tai hoa mắt, chóng mặt, khó chịu trong mình,…) thì tiếp tục nâng thời lượng nhịp thở lên một chút… Cứ như vậy đến khi đạt được “nhất hô nhất hấp” mỗi thời đều được 10s/12s là đạt yêu cầu.

Kỹ thuật hô hấp Tĩnh Khí công Ý thức (TKCYT) cũng bao gồm cả kỹ thuật hô hấp THÂM – TẾ – QUÂN – TRƯỜNG trong đó.

2. Kỹ thuật hô hấp TKCYT được chỉ ra như sau:

• Hít vào: hít vào bằng mũi, quán tưởng hít sâu xuống dưới bụng.
• Nén lại: sau khi hít vào hết cữ nhịp đếm, nín thở, nén hơi (giữ nguyên trạng thái cơ hoành).
• Thở ra: sau khi nén lại đến độ, từ từ thở ra bằng mũi.
• Ngưng thở: khi thở ra đến độ, ngưng thở, thư giãn thả lỏng toàn bộ cơ thể.

Sự liên hệ giữa hô hấp và hoạt động khí trong cư thể được chỉ ra như sau:
• Khi hít vào khí sẽ đi từ trên xuống, hoặc đi từ ngoài vào trong cơ thể.
• Khi nén lại khí sẽ tụ lại một vùng hoặc trong toàn bộ cơ thể.
• Khi thở ra khí sẽ đi từ dưới lên, hoặc từ trong cơ thể ra ngoài.
• Khi ngưng thở khí sẽ phát tán ra bên ngoài cơ thể.

Hô hấp TKCYT còn có liên hệ tốt cho hệ thống bộ vị cơ thể như sau:
• Khi Hít vào: Cơ năng hoạt động của vùng ngực sẽ tốt hơn.
• Khi Nén lại: Cơ năng hoạt động của vùng bụng sẽ tốt hơn.
• Khi Thở ra: Cơ năng hoạt động của vùng lưng sẽ tốt hơn.
• Khi Ngưng thở: Cơ năng hoạt động của vùng đầu sẽ tốt và thần kinh sẽ được thư giãn hơn.

Lưu ý:
• Chỉ hô hấp bằng mũi.
• Không để ý đến hiện tượng thót hay phình bụng.
• Không luyện tập quá sức, mà nâng dần cường độ lên.

II. Luyện Điều Tức công

Trong tư thế thật thư dãn thoải mái, luyện hô hấp TKCYT cần thực hiện đồng bộ như sau :

1. Hô hấp sâu, đều, chậm theo nguyên tắc THÂM – TẾ – QUÂN – TRƯỜNG

Từ từ hít thật sâu xuống tận bụng dưới (tưởng tượng), nhẩm đếm thật đều, thật chậm, thật m và nhẹ nhàng, thật thư thái tự nhiên. Sau mỗi lần hô hấp sâu đều chậm, nhẹ nhàng; trở lại hơi thở tự nhiên một lúc cho bình thường, rồi mới vào nhịp tiếp theo.

2. Hô hấp phù hợp:

• Có bệnh thuộc vùng ngực, tập trung vào thời hít vào.
• Có bệnh thuộc vùng bụng, tập trung vào thời nén lại (bế khí).
• Có bệnh thuộc vùng lưng, tập trung vào thời thở ra.
• Có bệnh thuộc vùng đầu, tập trung vào thời ngưng thở.

Vừa hô hấp vừa nhẩm đếm, thật nhẹ nhàng tự nhiên. Việc nhẩm đếm kéo dài bao nhiêu là tùy thuộc vào khả năng của mỗi người. Có thể là 3 nhịp, 5 nhịp đếm hoặc hơn nữa là theo khả năng và tùy theo giai đoạn của người luyện.

3. Hô hấp 4 thì

Thư giãn cơ thể, điều hòa hô hấp, bế ngũ quan, ổn định nhịp tim, tập trung vào hơi thở
Từ từ hít vào theo sức của mình, từ từ nén lại vừa phải, từ từ thở ra thật chậm, từ từ ngưng thở thật nhẹ nhàng. Lặp lại vài lần cho nhuần nhuyễn.

Từ từ hít vào và nhẩm đếm thầm đều đặn trong đầu, từ từ nén thở lại vừa phải nhẩm đếm, từ từ thở ra nhẩm đếm đều đặn trong đầu, từ từ ngưng thở thật nhẹ nhàng nhẩm đếm đều đặn trong đầu. Lặp lại vài lần cho nhuần nhuyễn.

4. Thở quán

Luyện thở đến đâu, cảm nhận cảm giác đến đó cho thật quen, sau đó dùng suy nghĩ điều khiển hơi thở. Nghĩ đến đâu thở đến đó, đồng thời tâm niệm cho sự thở thật tốt theo mục đích của mình.

3 Comments

Gửi phản hồi