Nhập môn tĩnh khí công

Bài 1: MỞ ĐẦU – TĨNH KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH NHẬP MÔN

PHI LỘ

 
Ban biên tập Tĩnh khí công Việt Nam xin giới thiệu cùng quý vị độc giả chuỗi bài giảng và dẫn luyện thực hành TĨNH KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH NHẬP MÔN của Nhà khoa học – Khí công sư Việt nam Nhật Quang tử (NQT) Hoàng Vũ Thăng. Bài giảng dạy giới thiệu những kiến thức cơ bản của một bộ môn khoa học phương Đông cổ – Tĩnh Khí công.Nội dung được đề cập nhằm giúp quý vị hiểu rõ phương pháp dưỡng sinh như một phương pháp nâng cao sức sống về thể chất và tinh thần của cổ nhân truyền lại, đồng thời đưa ra một số lời giải đáp cho những băn khoăn của quý độc giả đang mong đợi. Bài giảng chứa đựng những vấn đề cơ bản về luyện tập dưỡng sinh để quý độc giả nghiên cứu và thực hành. Sẽ là khó đối với những ai chưa một lần nghe một giờ giảng về môn học này. Phàm những gì gọi là cổ đều đòi hỏi dày công nghiên cứu, hơn nữa đây là một môn khoa học còn mang nhiều bí ẩn, song lại rất hữu ích đối với con người.

 

PHƯƠNG PHÁP TĨNH KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH NQT HOÀNG VŨ THĂNG

Phương pháp TĨNH KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH NQT HOÀNG VŨ THĂNG là phương pháp luyện tập khí công với mục đích dưỡng sinh và tự chữa bệnh. Phương pháp này do nhà khoa học – Khí công sư NQT HOÀNG VŨ THĂNG kết hợp khoa học Đông phương cổ với khoa học hiện đại, cùng với nhiều nghiên cứu, sáng tạo mới, phù hợp với xu hướng tương lai. Phương pháp này được phổ truyền từ năm 1991, đến năm 1997 Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng được thành lập, đến năm 1999 chương trình nghiên cứu được thực hiện. Phương pháp đã đóng góp nhiều vào phong trào dưỡng sinh ở trong và ngoài nước. Phương pháp cho đến ngày nay vẫn phát triển thận trọng, lấy khoa học – chất lượng – hiệu quả là chính.

Phương pháp này có tên gọi đầy đủ là TĨNH KHÍ CÔNG Ý THỨC.

– TĨNH là luyện tập ở trong trạng thái tĩnh tọa, thiền định (thiền chỉ quán).
– KHÍ CÔNG là vận hành KHÍ (năng lượng) theo các môn CÔNG (trình tự vận hành theo các mục đích khác nhau).
– Ý THỨC là dùng ý thức của mình làm chủ các hoạt động của vận hành khí nói trên.

Phương pháp này không những phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa ý thức với nội lực và hô hấp, mà còn có sự đồng bộ giữa trạng thái thực thể với trạng thái vô hình (một trạng thái còn nhiều bí ẩn, cần làm sáng tỏ).

MỤC LỤC
Phương pháp Tĩnh khí công dưỡng sinh NQT Hoàng Vũ Thăng
Những điều cần biết khi học Tĩnh khí công dưỡng sinh
1. Hô hấp khí công (Điều tức công)
2. Quán khí công
3. Nhập khí công
4. Sinh khí công (Đan Điền công)
5. Thanh khí công (cơ bản & ứng dụng)
6. Dưỡng khí công

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI MỚI HỌC KHÍ CÔNG

1. TƯ THẾ

Tư thế luyện khí công dưỡng sinh cơ bản là thoải mái. Có thể ngồi xếp bằng, ngồi bán già, ngồi kiết già, thậm chí nằm nghiêng bên phải cũng được – miễn sao thấy cơ thể thoải mái là được; với các yêu cầu sau:
– Mắt nhắm, miệng ngậm, lưỡi để hàm trên (đầu lưỡi chạm chân răng hàm trên).
– Lưng thẳng, bụng lỏng, đầu thẳng (mắt tuy nhắm, nhưng tưởng tượng phương nhìn vuông góc với trục cơ thể).
– Hai chân để thoải mái.
– Đặt ngửa lưng hai bàn tay trên đầu gối một cách thư thái thoải mái.
– Cơ thể thư giãn, tinh thần tập trung.

2. THỜI GIAN

Thời gian luyện khí công dưỡng sinh trong thời gian đầu là không bắt buộc lắm, chỉ cần luyện đơn giản trong các thời gian sau:
– Buổi sáng, trước khi bắt đầu một ngày.
– Buổi trưa, sau khi ngủ dậy.
– Buổi tối, trước khi ngủ.

3. KHÔNG GIAN

Không gian luyện tập có các yêu cầu sau:
– Yên tĩnh, sạch và thoáng.
– Không sáng quá hay tối quá.
– Không nóng quá hay lạnh quá.
– Không gió quá hay bí quá.

4. LUYỆN KHÍ VỚI GHI ÂM

Mới luyện nên tập với ghi âm (records) dẫn luyện cho quen. Khi mới vào tập, nghe ghi âm không luyện vài lần cho quen, rồi mới quán tưởng theo cho thuộc, cuối cùng mới tập / luyện theo.

5. TRẠNG THÁI

– Nếu người ỳ trệ thì nên thể dục, vận động một chút cho lưu thông khí huyết rồi mới tập.
– Nếu tư tưởng phân tán thì thư giãn một lúc rồi mới tập, không nên vận động nhiều, tránh bị kích thích.

6. KHÁI LƯỢC VỀ KHÍ

Khí là bức xạ năng lượng (plasma).
1. Về khí tính : (phân loại theo khí tính) :
-Tiên thiên khí : bức xạ tinh hoa vật chất (nguyên bản của khí) hay là sự thăng hoa của vật chất. Không thể cảm nhận bằng giác quan thông thường.
– Hậu thiên khí : không khí thông thường, khí sinh học – vật lý. Cảm nhận được bằng giác quan thông thường.

2. Phân theo nguồn khí trong không gian
– Thiên khí : khí của trời
– Địa khí : khí của đất
– Sinh khí : khí của sinh vật; quan trọng nhất là Nhân khí.
# Trong Sinh khí thì Nhân khí có tác động đến con người mạnh nhất và có hiệu quả nhất

3. Kết hợp giữa khí tính và không gian tính :
Bao gồm : Thiên khí Tiên thiên, thiên khí hậu thiên. Địa khí tiên thiên, Địa khí hậu thiên, Sinh khí Tiên thiên, Sinh khí hậu thiên…
– Thiên khí Tiên thiên là bức xạ của không gian ánh sáng, không gian thông tin, và cao nhất là của không gian tâm linh…
– Thiên khí hậu thiên : bức xạ thực của không gian vũ trụ; ví dụ gió mặt trời, bão từ, bức xạ thực của các vì sao….
– Địa khí tiên thiên : bức xạ thông tin phát ra từ lòng đất, biểu hiện rõ nhất ở những nơi có linh địa…
– Địa khí hậu thiên : ví dụ như mù khí núi, khí đất (lam chiều)…
– Nhân khí Tiên thiên :
– Nhân khí Hậu thiên : Phế khí là hô hấp bình thường, Vị khí, thực khí; sinh ra trong quá trình tiêu hóa và hoạt động của cơ thể.

4. Nhân khí Tiên thiên :
Chân khí, Ngũ khí (năng lượng hoạt động của ngũ tạng) : sự thăng hoa của Khí tại các bộ vị. Theo sự “biến vi hoạt dụng” của Nhân khí Tiên thiên được phân ra :
– Chân khí (hỗn nguyên khí, nguyên khí, Đan điền khí) – bức xạ năng lượng nguyên bản ban đầu cho hoạt động thần kinh – tinh thần của con người.
– Ngũ khí : Chân khí đi đến ngũ tạng kích phát ngũ tạng khí, là bức xạ năng lượng cơ năng hoạt động của ngũ tạng, và phát ra ngũ khiếu, biểu hiện thần thái của con người.
– Vinh khí : ngũ khí đi vào trong vận hành trong kinh mạch, là bức xạ năng lượng cung cấp cho cơ năng hoạt động của phủ tạng…
– Vệ khí : ngũ khí đi ra ngoài vận hành ra lạc mạch và tôn lạc thoát ra ngoài da (để phát dương khai khiếu bảo vệ cơ thể)

Khí công chủ yếu nghiên cứu và ứng dụng tác động của “khí tiên thiên” vào tồn tại và hoạt động của con người !

Gửi phản hồi