Các công pháp cơ bản

NGŨ HÀNH CÔNG

Trong Khí công, ngũ hành khí là khí sinh ra khi chân khí tác động vào ngũ tạng. Chính vì vậy, ngũ khí có tính năng sinh học rất cao. Trong dưỡng sinh Đan điền công, Ngũ hành công có tác dụng chữa bệnh rất tốt.
Ngũ hành công có tác dụng đặc biệt trong các chứng bệnh nội tạng, cũng như dùng đơn khí để cân bằng đa khí trong toàn bộ cơ thể.
Ngũ khí có các đặc tính cần biết như sau:
• Tâm khí : Có tính nhiệt, cảm giác nóng, màu sắc đỏ tươi, phù hợp với lửa và khí hậu nóng.
• Can khí : Có tính phong điện, cảm giác tê, màu sắc xanh lá cây, phù hợp với cây cối và khi trời gió.
• Tỳ khí : Có tính thấp (ẩm), cảm giác nặng, màu sắc vàng chanh tươi trong, phù hợp với đất đá và khí hậu mưa ẩm.
• Phế khí : Có tính táo (khô), cảm giác nhẹ, màu sắc trắng bạc, phù hợp với kim loại và thời tiết hanh khô.
• Thận khí : Có tính hàn, cảm giác mát lạnh, màu sắc đen tuyền, phù hợp với nước và tiết trời lạnh.
Trong luyện tập Khí công, nếu chúng ta tận dụng các đặc tính trên thì hiệu quả luyện tập rất cao. Ví dụ : khi luyện cho Tâm, nên luyện với khí nóng, màu đỏ, với tác nhân là lửa trong trời nóng, thì hiệu quả rõ rệt…
Tác nhân là đối tượng có tính năng kích thích sinh khí, mà chúng ta luyện tập đối diện sẽ hiệu quả tốt hơn là luyện chung chung.
Màu sắc của khí sẽ được phản ánh trên vùng trán, mà chúng ta căn cứ vào đó để xác định hiệu quả thực tế rất tốt (đó còn được gọi là khả năng khí quang).

I. HỆ THỐNG KINH MẠCH THEO NGŨ HÀNH CÔNG

1 Phế hệ

Phế khí hoạt động chủ yếu ở Thủ thái âm Phế kinh và Thủ Dương minh Đại trường kinh; Phế tạng và phủ Đại tràng có quan hệ biểu lý với nhau (1).
Phế khí phát sinh tại Phế (bộ vị tại Thượng tiêu) hoạt động ở Phế kinh, chạy từ huyệt Trung phủ ra dưới hố nách, theo mép ngoài của mặt trong cánh tay, tới ngón tay cái; hiệp vào Đại trường kinh từ đầu ngón tay trỏ (bên ngón tay cái) qua huyệt Hợp-cốc vòng lên mu bàn tay, chạy theo mép trên của mặt ngoài cánh tay, lên hõm vai xuống Phế xuyên qua cơ hoành cách nối liền tới Đại trường, rồi theo lạc mạch trở về Phế.
Phế kinh và Đại trường kinh đều có khí dồi dào; giờ Dần hàng ngày vượng tại Phế, giờ Mão vượng tại Đại trường.

2 . Tỳ hệ

Tỳ khí hoạt động chủ yếu ở Túc Thái âm Tỳ kinh và Túc Chương minh Vị kinh, Tỳ tạng và phủ Vị có quan hệ biểu lý với nhau (1).
Tỳ khí phát sinh tại Tỳ, hoạt động ở Tỳ kinh xuống qua háng trái dọc theo mép ngoài mặt trong bắp đùi, xuống ngang đầu gối dọc theo mép ngoài mặt trong bắp chân đến mắt cá trong, vòng lên xương mu bàn chân theo mép trong ra đầu ngón chân cái; nối với Vị kinh tại đầu ngón chân trỏ, đi lên theo mu bàn chân theo mép ngoài ống chân lên đầu gối qua xương bánh chè, chạy lên mép ngoài mặt ngoài bắp đùi, vào ổ bụng nhập Vị rồi theo lạc mạch trở về Tỳ.
Tỳ kinh khí nhiều huyết ít, khí vượng vào giờ Tị hàng ngày. Vị kinh khí huyết đều sung mãn, vượng vào giờ Thìn.

3. Tâm hệ

Tâm khí hoạt động chủ yếu ở Thủ Thái âm Tâm kinh và Thủ Thái dương Tiểu trường kinh; Tâm tạng và Tiểu trường phủ cũng có quan hệ biểu lý (1).
Tâm khí (quân hỏa) phát sinh ở Tâm tạng, hoạt động ở Tâm kinh, từ ngực qua huyệt Trung-cực trong hố nách trái, theo mép trong của mặt trong cánh tay trái ra mặt dưới ngón tay út; vào Tiểu trường kinh chạy theo mặt trên ngón tay út lên mu bàn tay qua cổ tay, ra giữa thẳng lên theo mép dưới mặt ngoài cánh tay, lên mé trong khuỷu tay khoảng giữa hai xương (trụ và quay) theo mé dưới mặt ngoài bắp tay đến bả vai, vòng qua xương bả giao chéo nhau trên vai vào hõm vai, lần theo yết hầu xuống qua cơ hoành đến cạnh Vị nối với Tiểu trường (ruột non), từ đó theo lạc mạch trở về Tâm.
Tâm kinh nhiều khí ít huyết, vượng khí vào giờ Ngọ hàng ngày. Tiểu trường kinh huyết nhiều khí ít, vượng khí vào giờ Mùi.

4. Thận hệ

Thận khí hoạt động chủ yếu ở Túc Thiếu âm Thận kinh và Túc Thái dương Bàng quang kinh, Thận tạng và phủ Bàng quang đều có quan hệ biểu lý với nhau (1).
Thận khí phát sinh ở Thận, hoạt động ở Thận kinh, qua Mệnh-môn theo cột sống xuống hông đi ra phia sau bắp đùi tới khoeo chân (sau đầu gối), lần theo mép trong mặt trong của bắp chân, vòng quanh mắt cá trong, xuyên qua lòng bàn chân đến mặt dưới đầu ngón chân út; nối với Bàng quang kinh tại huyệt Kinh-cốt đi ra mắt cá ngoài, xuyên qua bắp chân lên khoeo chân, lần theo mé trong mặt ngoài bắp đùi lên qua khớp háng vào hố chậu nhập Bàng quang, theo lạc mạch trở về Thận.
Thận kinh khí nhiều huyết ít, vượng khí vào giờ Dậu hàng ngày. Kinh Bàng quang ít khí nhiều huyết, khí vượng vào giờ Thân.

5. Tâm bào hệ

Tâm bào khí (còn gọi là Nhiệt Tâm khí – tướng hỏa) được sinh ra từ tạng danh định Tâm-bào (màng bao tim), hoạt động phụ thuộc vào tạng Tâm và Tâm khí (quân hỏa). Nhiệt Tâm khí chủ yếu hoạt động ở Thủ Quyết âm Tâm bào kinh và Thủ Thiếu dương Tam tiêu kinh, Tâm bào lạc và Tam tiêu phủ đều có quan hệ biểu lý với nhau (1).
Nhiệt Tâm khí phát sinh ở Tâm bào, hoạt động ở Tâm bào kinh, qua huyệt Đản-trung vòng sang trước hố nách phải đi vào giữa mặt trong cánh tay phải, lần theo giữa hai đường gân mặt trong cẳng tay qua huyệt Lao-cung, ra ngoài đầu ngón tay giữa phải; hiệp với Tam tiêu kinh ở đầu ngón tay nhẫn phải, lần theo mặt ngoài cẳng tay xuyên lên khuỷu tay, theo mặt ngoài bắp tay lên qua vai vào hõm vai trở lại Đản-trung, đi ra Thượng tiêu (vùng ngực), xuống Trung tiêu (bụng trên) đến Hạ tiêu (bụng dưới) rồi theo lạc mạch trở về Tâm bào.
Tâm bào kinh khí ít huyết nhiều, vượng khí vào giờ Tuất hàng ngày. Kinh Tam tiêu khí nhiều huyết ít, khí vượng vào giờ Hợi.

6. Can hệ

Can khí chủ yếu hoạt động ở Túc Quyết âm Can kinh và Túc Thiếu dương Đởm kinh, Can tạng và phủ Đởm đều có quan hệ biểu lý với nhau (1).
Can khí phát sinh ở Can, hoạt động ở Can kinh, cặp theo Vị kinh xuống hạ vị (bụng dưới) lần chéo sau kinh Tỳ đi xuống mép trong bắp đùi và cẳng chân phải đến cách mắt cá trong một tấc (2), đi ra mé trên mu bàn chân chạy đến ngón chân cái tại túm lông chũm; hiệp với kinh Đởm tại khoảng giữa ngón chân áp út, theo bàn chân đến mắt cá ngoài ở đầu xương chêm (huyệt Tuyệt cốt) lên phía ngoài xương ống chân đến mặt ngoài đầu gối, chạy lên mặt ngoài bắp đùi vào khớp háng qua hạ vị lên Đởm, theo lạc mạch trở về Can.
Can kinh nhiều huyết ít khí, vượng khí vào giờ Sửu hàng ngày. Đởm kinh nhiều khí ít huyết, vượng khí vào giờ Tý.

(1) Tạng phủ có quan hệ biểu lý, âm dương với nhau. Tạng là , phủ là biểu.
(2) Tấc, thốn theo quy chuẩn của Đông y, gọi là “đồng thân thốn“. Nghĩa là tấc thốn của mỗi người khác nhau.

II – LUYỆN & TẬP NGŨ HÀNH CÔNG

1. Lưu ý

Luyện Ngũ Hành công là luyện kích hoạt sinh khí của ngũ tạng và vận khí đả thông kinh mạch toàn bộ cơ thể, tương ứng với biểu lý từng tạng. Mục đích là để cân bằng khí ở từng cặp tạng phủ.

Tập Ngũ hành công thực chất là tập riêng từng Tạng công (tương ứng với từng hành), tập trung luyện nhiều vào các tạng có vấn đề. Đến khi đã thành thục thì phối hợp cả ngũ công lại với nhau để đồng thời kích hoạt ngũ khí ở lục phủ-ngũ tạng và đả thông liên kinh mạch toàn thân, làm tiền đề để luyện các công pháp tiếp theo; Tiểu Chu thiên pháp, Đại Chu thiên pháp.

Xin lưu ý rằng, trước khi luyện Ngũ hành công các nhà bác nên luyện thanh khí ngũ tạng lục phủ. Như vậy mới nhanh chóng đạt được hiệu quả luyện Ngũ hành công. Đồng thời căn cứ vào phần chữ nghiêng ở bài LÝ THUYẾT trên mà tự xây dựng cho mình một bộ mật lệnh để luyện Ngũ hành công theo đúng thể trạng của mình.

Ở tầm mức dưỡng sinh, có thể tập Ngũ hành công theo 2 phác đồ :
– Phác đồ thứ nhất cho người mới tập, Đan Điền khí chưa kích hoạt được dồi dào : Bách hội => Mạch Nhâm => Đan điền => Tạng => Tạng kinh => đầu ngón chi => Phủ kinh => Phủ => Đan điền. tiếp tục như vậy vài vòng theo khả năng của mình..

– Phác đồ thứ hai cho người đã thành thục, có Đan Điền khí dồi dào : Bách hội => Mạch Nhâm => Đan điền => Tạng => Tạng kinh => đầu ngón chi => Phủ kinh => Phủ => Tạng, và tiếp tục lặp lại vài vòng theo khả năng của mình; nhịp cuối cùng thì đi từ phủ dồn tụ vào Đan Điền.

Khi  đã tập thành thục được 6 vòng liên tục của mỗi một hệ tạng phủ kinh mạch tương ứng, thì bắt đầu có thể liên luyện tuần tự theo vòng ngũ hành tương sinh hoặc vòng lục khí đồ.

2. LUYỆN NGŨ HÀNH CÔNG

2.1. Phế công

Tập trung tư tưởng. Thu khí khô – trắng bạc vào Bách hội, theo mạch Nhâm xuống nén tụ để sinh khí ở Đan điền, dồn tới tụ khí ở Phế, theo Phế kinh (mép trên mặt trong cánh tay) đi ra đầu ngón tay cái (nếu cần thì xả), theo ngón trỏ vào Đại trường kinh (mép trên mặt ngoài cánh tay), lên hõm vai xuống Đại trường (nếu cần thì xả), dồn khí từ Đại trường theo lạc mạch về Phế.
Sau đó lựa chọn các mục đích sau :
– Thông bế : Dồn tới vùng bị bế khí, thông xả ra vị trí tương ứng với vùng cần thông.
– Thông suy : Dồn tới vùng suy cho mạnh lên, thông xả ra vị trí tương ứng với vùng cần thông (bổ).
– Thông Phế : Dồn xuống Đan điền, đưa ra sau mạch Đốc, xả lên Bách hội.

2.2. Tỳ công

Tập trung tư tưởng. Thu khí ẩm – vàng vào Bách hội, theo mạch Nhâm xuống nén tụ để sinh khí ở Đan điền, vận khí dồn sang tụ Tỳ, theo Tỳ kinh (giữa mặt trong chân trái) đi ra đầu ngón chân cái bên trái (nếu cần thì xả), theo ngón chân thứ hai vào Vị kinh (mặt trước chân trái, qua đầu gối), lên mạng sườn dồn vào vào Vị (nếu cần thì xả), vận khí dồn từ Vị tụ vào Tỳ. Sau đó lựa chọn các mục đích sau :
– Thông cơ : Dồn tới vùng cần thông cơ, thông xả ra vị trí tương ứng với vùng cần thông.
– Thông loạn : Dồn tới vùng loạn cho định lại, thông xả ra vị trí tương ứng với vùng cần định.
– Thông tỳ : Dồn xuống Đan điền, đưa ra sau mạch Đốc, xả lên Bách hội.

2.3. Tâm công

Tập trung tư tưởng, thu khí nóng – đỏ vào Bách hội, theo mạch Nhâm xuống nén tụ để sinh khí ở Đan điền, vận khí lên tụ ở Tâm, dồn ra hố nách trái (Trung cực) theo Tâm kinh (mặt trong cánh tay trái) đi ra đầu ngón tay út (nếu cần thì xả), theo Tiểu trường kinh (mặt sau cánh tay) lên bả vai vào hõm cổ, dồn xuống Tiểu trường (nếu cần thì xả), vận khí dồn từ Tiểu trường theo lạc mạch về Tâm.
Sau đó lựa chọn các mục đích sau :
– Thông huyết : Dồn tới vùng cần thông máu, thông xả ra vị trí tương ứng với vùng cần thông.
– Thông hàn : Dồn tới vùng hàn lạnh cho nóng lên, thông xả ra vị trí tương ứng với vùng cần thông (tả hàn tán).
– Thông Tâm : Dồn xuống Đan điền, đưa ra sau mạch Đốc, xả lên Bách hội.

2.4. Thận công

Tập trung tư tưởng. Thu khí lạnh – đen vào Bách hội, theo mạch Nhâm xuống nén tụ để sinh khí ở Đan điền, vận khí ra tụ ở Thận, theo Thận kinh (mặt trong của chân) đi xuống lòng bàn chân (nếu cần thì xả), ra ngón chân út vào Bàng quang kinh (mặt sau của chân, xuyên qua bắp chân lên huyệt Uỷ trung) lên khớp háng vào hố chậu nhập Bàng quang (nếu cần thì xả), dồn khí từ Bàng quang theo lạc mạch lên Thận.
Sau đó lựa chọn các mục đích sau :
– Thông xương : Dồn tới vùng cần thông xương, thông xả ra vị trí tương ứng với vùng cần thông.
– Thông nhiệt : Dồn tới vùng nhiệt cho mát đi, thông xả ra vị trí tương ứng với vùng cần thông (tả nhiệt).
– Thông Thận : Dồn xuống Đan điền, đưa ra sau mạch Đốc, xả lên Bách hội.

2.5. Tâm bào công

Tập trung tư tưởng. Thu khí nóng bức – đỏ tía vào Bách hội theo mạch Nhâm xuống nén tụ để sinh khí ở Đan điền, vận khí lên tụ ở Tâm bào, dồn ra hố nách phải theo Tâm bào kinh (giữa mặt trong cánh tay phải) đi ra đầu ngón tay giữa phải (nếu cần thì xả), lên mu bàn tay theo Tam tiêu kinh (mặt sau cánh tay phải) lên bả vai vào hõm cổ, dồn xuống Thượng tiêu (vùng ngực), xuống Trung tiêu (bụng trên), xuống Hạ tiêu (vùng bụng dưới) (nếu cần thì xả), vận khí dồn từ Tam tiêu theo lạc mạch về Tâm bào.
Sau đó lựa chọn các mục đích sau :
– Thông huyết : Dồn tới vùng cần thông máu, thông xả ra vị trí tương ứng với vùng cần thông.
– Thông hàn : Dồn tới vùng lạnh cho nóng lên, thông xả tương ứng (tả hàn tụ).
– Thông Tâm-bào : Dồn xuống Đan điền, vận ra Mệnh môn đi lên theo mạch Đốc thông xả lên Bách hội.

2.6. Can công

Tập trung tư tưởng. Thu khí tê – xanh vào Bách hội, theo mạch Nhâm xuống nén tụ để sinh khí ở Đan điền, vận khí sang tụ ở Can, theo Can kinh (mặt trong chân phải) đi ra đầu ngón chân cái bên phải (nếu cần thì xả), theo ngón chân áp út vận khí lên Đởm kinh (mặt ngoài chân phải), lên hông vòng ra giữa bụng dưới, quay về hạ sườn phải vào Đởm (nếu cần thì xả), vận khí dồn từ Đởm trở về Can.
Sau đó lựa chọn các mục đích sau :
– Thông gân : Dồn tới vùng cần thông gân, thông xả ra vị trí tương ứng với vùng cần thông.
– Thông kết : Dồn tới vùng kết cho tê đi, thông xả ra vị trí tương ứng với vùng cần thông (tả kết).
– Thông Can : Dồn xuống Đan điền, đưa ra sau mạch Đốc, xả lên Bách hội.

Gửi phản hồi