VĂN HỌC-NGHỆ THUẬT

Tây Du Kí và hình tượng người anh hùng

Hỗn độn chưa chia trời đất loạn,
Mờ mờ mịt mịt chẳng ai hay,
Hồng mông từ khi Bàn cổ mở
Trong đục phân minh tự thuở này
Che chở mọi loài nhờ trời đất
Phát sinh muôn vật tốt lành thay.
Muốn biết công to của tạo hóa
Đọc truyện Tây du giải ách đây.

Kể từ thuở hồng hoang của nhân loại, con người chật vật sinh sống trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, rồi trải qua suốt những trang sử lấp đầy bởi các cuộc chiến tranh đẫm máu, bên cạnh các vị thánh nhân thần phật thì nhân loại đã luôn xây dựng hình tượng về những người anh hùng, với sức mạnh siêu nhiên, sẽ giải cứu con người khi đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Theo các nghiên cứu của các nhà tâm lý học, hình tượng anh hùng xuất hiện trong mọi nền văn hóa, và điều đặc biệt là chúng đều có mẫu số chung giống nhau từ cổ chí kim, từ sử thi Iliad của Hi Lạp, tới Supperman hiện đại đều có chung một công thức để tạo nên hình tượng anh hùng, chiếm được sự ngưỡng mộ yêu thương của công chúng. Và Tây Du Ký, dù xuất phát từ một quốc gia phương Đông cũng không phải ngoại lệ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét Tây Du Ký, một tác phẩm mà ai cũng biết nhưng dưới một góc độ hoàn toàn khác – hình tượng người anh hùng – hero trong Tây Du Kí.

“Tây Du Ký” là một bộ tiểu thuyết thần thoại trường thiên, lãng mạn tích cực rất vĩ đại. Quá trình ra đời của bộ truyện này cũng giống như “Tam quốc diền nghĩa” và “Thủy Hử”: gốc gác của truyện đã lưu truyền lâu dài trong dân gian từ trước; sau đó một hoặc vài tác gia dựa trên cơ sở sáng tác tập thế của nhân dân; lại sáng tạo thêm thành sách, là câu chuyện nửa hư cấu về hành trình của Trần Huyền Trang-Đường Tăng cùng bốn đồ đệ Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng và Bạch Long mã trên đường đi tới Tây Trúc thỉnh kinh. Chuyến hành trình của năm Thầy Trò gặp vô vàn khó khăn với 81 kiếp nạn, cũng tượng trưng cho 81 Cám Dỗ của con người trên con đường tu thành chính quả.

Tây Du Ký được tác giả Ngô Thừa Ân viết vào những năm cuối thế kỷ 16, thời điểm có sự giao thoa của cả ba tôn giáo lớn tại Trung Hoa lúc mấy giờ: Phật giáo thể hiện trong hành trình tu tập loại bỏ ác tính, sự xuất hiện của các vị phật để thử thách giúp đỡ năm thầy trò trên đường đi. Đạo Giáo thể hiện trong việc có Đạo sĩ, pháp thuật thuật luyện Linh Đan hay lò bát quái. Và cuối cùng là Khổng Giáo, chặng đường thỉnh kinh của Đường Tăng Cũng là để làm tròn nghĩa vụ vua tôi.

Hình mẫu anh hùng đã được nhiều nhà tâm lý học nghiên cứu và tổng hợp, cụ thể trong cuốn “Anh hùng đến ngàn gương mặt” của Joseph Campbell. Nếu ngắn gọn thì những người anh hùng ở bất kỳ nền văn hóa nào cũng thường có một công thức như sau: Thứ nhất, anh hùng sinh ra một cách bí ẩn diệu kỳ, với sức mạnh phi thường nhưng cũng có nhiều những khuyết điểm rất con người, người anh hùng trải qua tuổi thơ khó khăn hoặc không có bố mẹ. Thứ hai, anh hùng được một người thầy dạy cho kiến thức hoặc rèn luyện sức mạnh. Thứ ba, anh hùng nhận ra sứ mệnh của mình và muốn tách ra khỏi thế giới đã biết để tới một nơi chưa biết; tại đây anh nhận ra những khả năng, điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình, anh có được món vũ khí đặc biệt để nâng tầm sức mạnh. Thứ tư, nhờ sức mạnh và đức hạnh của mình anh vượt qua bao khó khăn, trưởng thành về mặt thể chất lẫn tâm lý; trong hoàn cảnh gian truân nhất, anh nhận được sự trợ giúp từ nhiều thế lực siêu nhiên. Thứ năm, vượt qua khó khăn, thử thách, nỗi sợ của bản thân, anh hùng sẽ dành chiến thắng, nhận được phần thưởng, nhưng cũng không quên trở về mảnh đất cũ trong một hình hài và tâm thế mới. Từ đây, anh sử dụng món quà và tài năng của mình để cống hiến cho cộng đồng.

Quy chiếu các điều trên vào Tây Du Kí, ta nhận ra rằng anh hùng trong phim Tây Du Ký phải là Tôn Ngộ Không chứ không phải Đường Tăng hay bất kỳ nhân vật nào khác. Đường Tăng dù là nhân vật chính trên con đường lên Tây Trúc thỉnh kinh, nhưng ông đóng vai trò Sư phụ, người chỉ dạy cho con khỉ chữ NHẪN trên suốt chặng đường. Tiếp đến sư đệ thứ hai Trư Bát Giới, mặc dù có 36 phép thần thông, thạo việc đấu đá, nhưng trong tâm còn quá nhiều ác tính, hay than vãn nói xấu, mê sắc dục, tham sân si nên đôi khi thậm chí còn cản trở hành trình của các thầy trò. Trong khi đó, Sa Tăng tuy kiên nhẫn cần cù, thế nhưng lại thiếu chính kiến ba phải. Chỉ có Tôn Ngộ Không mới là người nắm vai trò chính trong công cuộc giải cứu đưa, sư phụ và các sư đệ thoát khỏi cảnh hiểm nghèo, nhờ tính cách cương trực kiên quyết và khả năng võ thuật và phép thuật lợi hại. Vì vậy, từ mẫu số chung với anh hùng, hãy xem nó được thể hiện trong Tây Du Ký như thế nào.

Xuất thân của những người anh hùng đều là bí ẩn, thời hiện đại, bên trời Tây, ta có câu chuyện của Superman là người ngoài hành tinh, Clark Kent sinh ra không rõ nguồn gốc của bản thân, không biết cha mình là ai. Từ Đông phương thời cổ, Tôn Ngộ Không vốn không có cha không có mẹ. sinh ra từ hòn đá Tiên, nằm trên đỉnh của hoa quả sơn, hòn đá đã đứng sừng sững rất nhiều năm và hấp thụ tinh hoa của đất trời, sinh khí của Nhật Nguyệt, nhiều người còn cho rằng đây là viên đá chứa tinh phách của Nữ Oa, nữ thần vĩ đại nhất trong thần thoại Trung Hoa, với công lao đắp đất tạo người, luyện đá vá trời. Xuất thân như vậy nên anh hùng có sức mạnh phi thường cũng là chuyện không lạ. Tôn Ngộ Không khi mới ra đời vì chưa có sức mạnh gì cao cường, nhưng lại có trí khôn lạ thường đã trở thành vua của loài khỉ tại Hoa Quả Sơn. Anh cũng như một đứa trẻ khi mới chào đời, nhận ra được đặc trưng “Vô tính” của mình, qua cuộc đối thoại với vị sư phụ đầu tiên-Bồ Đề Sư Tổ, sự vô tính này là điểm quan trọng giúp Tôn Ngộ Không lĩnh hội nhanh chóng các phép thần thông biến hóa mà Bồ Đề trao cho, nhưng cũng từ lúc đó, anh đã không còn vô tính nữa mà gây ra bao chuyện náo động trời đất, cuối cùng lại phải đi trên con đường tu luyện, lấy lại sự vô tính của mình.

Tổ sư nói:
– … tính danh ngươi là gì?
Hầu Vương nói:
– Con không có tính gì cả. Người ta chửi con, con cũng không giận.
Người ta đánh con, con cũng không thù, chỉ lễ phép với người ta mà thôi.
Nhất sinh không có tính.

Trở lại với cốt truyện, Anh hùng nào cũng có những điểm để người ta yêu mến, cùng khiếm khuyết để chân thực hóa hình tượng, và được đồng cảm như một con người. Nếu như Tôn Ngộ Không được lòng người bởi sự lanh lợi, tài trí, thông minh, bền bỉ, dũng cảm; thì anh ta cũng có những điểm xấu như ham lợi trước mắt, bướng bỉnh, hiếu chiến, hiếu thắng. Những khuyết điểm này đã đem tới bao nhiêu là thử thách và cả đau khổ .

Đây là yếu tố tiếp theo của khuôn mẫu, khi người anh hùng nhận ra cuộc sống không thể tầm thường như vậy, Tôn Ngộ Không quyết định rời khỏi Hoa Quả Sơn và tìm kiếm những hành trình mới. Người thầy đầu tiên dạy cho Ngộ Không chính là Bồ Đề Sư Tổ, danh từ vị này vẫn còn là một bí ẩn, tất cả những gì ta biết chị là ông thuộc Đạo gia và có pháp lực vô cùng cao, với 108 phép thiên cang đại sát, ông có phép thuật pháp nhãn nhìn thấy tương lai và quá khứ trong 500 năm, có lẽ cũng chính vì vậy Bồ Đề Sư Tổ đã đuổi Tôn Ngộ Không đi khi ông nhận ra tính ngang ngược hiếu thắng của Tôn Ngộ Không sẽ gây đại họa. Một phần khác cũng vì biết Ngộ Không sẽ làm nên đại sự cho nên truyền cho phép thuật làm vốn tích lũy cho chặng đường sắp tới. Y như rằng, dù học tập được phép thuật từ Bồ Đề, nhưng Tôn Ngộ Không lại mất đi sự vô tính mà trở nên ngỗ nghịch náo loạn cả thiên đình, chính vì vậy lại phải lên đường để tiếp tục rèn luyện. Hai người thầy sau đó của Tôn Ngộ Không là Đường Tăng và Phật Tổ Như Lai, đã dạy Ngộ Không về chữ Nhẫn và chữ Thiện. Nếu như Đường Tăng trực tiếp điều hòa tính cách của Tôn Ngộ Không, trên quá trình thỉnh kinh đọc niệm chú tiếp vòng kim cô mỗi khi Tôn Ngộ Không ương bướng, thì Phật Tổ Như Lai lại là người thử thách Tôn Ngộ Không, giao trong Ngộ Không bài tập thực hành.

Trong những kiếp nạn mà Ngộ Không trải qua, anh hùng nào cũng cần vũ khí đặc biệt, duy nhất để nâng tầm sức mạnh.

Tôn Ngộ Không và gậy Như ÝTa có Captain America với chiếc khiên Viranium siêu bền, còn hình ảnh của Tôn Ngộ Không thì gắn liền với chiếc gậy Như Ý. Gậy Như Ý vốn là khối thần thép vạn năm được Thái Thượng Lão Quân tu luyện 9 lần, gậy Như Ý có 2 đầu bịt vàng, ở giữa có khắc chữ “Như ý kim cô bổng một vạn ba ngàn năm trăm cân”, ý nghĩa của dòng chữ này là khi vào đúng tay chủ nhân, nó có thể chịu thu hẹp kéo giãn biến hóa vô cùng,  bình thiên lập địa chống trời chống đất. Cân nặng của gậy như ý là 13.500 kg cũng bằng số lần hơi thở của một người trong một ngày. Tác giả khi sử dụng chi tiết này có ngụ ý rằng Tôn Ngộ Không vẫn là tâm vượn phải không ngừng tu luyện, và khi Tu thành chính quả thì mới xứng đáng sử dụng bảo vật trong tâm thế như một con người. Một điểm thú vị khác của gậy như ý chính là nó có thể để gọn gàng trên vành tai của Tôn Ngộ Không. Trong quan niệm Đông phương cổ cho rằng ngũ quan trên mặt người tương đương với ngũ hành: mắt là Mộc, lưỡi là Hỏa, miệng là Thổ, mũi là Kim, cuối cùng tai tương ứng với Thủy, vì vậy cài gậy Như Ý – món đồ lấy từ Thủy cung bên cạnh tai là để hợp lý với quan niệm Ngũ Hành.

Theo nhận định của Joseph Campbell, thế lực siêu nhiên sẽ thường xuất hiện trong hình tượng người đàn ông hoặc phụ nữ, để dẫn đường, an ủi tâm hồn của người anh hùng lúc lâm nguy. Trong Tây Du Ký, khi Tôn Ngộ Không bị giam dưới Ngũ Hành Sơn, Quan Âm Bồ Tát là người tới nhắc nhở về một vị tăng sư sắp đi qua và gợi ý cho Tôn Ngộ Không có đường giải thoát. Hai lần khác, lo ngại thầy trò Đường Tăng sẽ gặp khó khăn trên đường đi, Quan Âm Bồ Tát đã biến ba lá Dương Liễu trong bình ngọc tịch thành ba sợi lông thần để ban cho Ngộ Không, về sau bảo bối này được sử dụng khi lão Tôn gặp thử thách khó khăn nhất, khi suýt chết trong bình âm dương nghị ký của Kim điểu. Một lần khác khi chiến đấu với Hồng Hài Nhi và thua tơi bời, thoát chết Tôn Ngộ Không cũng phải tìm tới sự giúp đỡ của Quan Âm Bồ Tát. Ngọn lửa của Hồng Hài Nhi chỉ bị chế Ngự bởi nước trong bình tĩnh thủy của người. Lại có lần, Ngộ Không ngang ngược đánh đổ cây nhân sâm ngàn năm của Chấn Nguyên đại tiên, Bồ Tát cũng phải xuất hiện khắc phục hậu quả của con khỉ, nhờ đó thầy trò Đường Tăng mới có thể đi tiếp, Ngộ Không lại còn được kết bái huynh đệ với Chấn Nguyên đại tiên. So với sự giúp đỡ từ những vị phật khác, Quan Âm Bồ Tát dịu dàng ân cần hơn nhiều, nhưng cũng không vì thế mà người để Tôn Ngộ Không làm càn. Yêu thương và đi kèm với kỷ luật, vì chính vòng kim cô cũng là do Quan Âm Bồ Tát tạo thành và trao cho Đường Tăng. Đến đây ta càng khẳng định thêm về sự giúp đỡ siêu nhiên của Quan Âm Bồ Tát dành cho Tôn Ngộ Không mang dáng dấp của hình tượng một người mẹ.

Tuy nhiên, “anh hùng khó qua ải mĩ nhân” là câu nói có vẻ không áp dụng vào người anh hùng của chúng ta. Phụ nữ thường được sử dụng nhiều trong các phép thử người anh hùng, để gợi ra những khát vọng trần tục và làm suy yếu sức mạnh của anh. Lão tôn không phải là một người bằng xác thịt, lại có hỏa nhãn kim tinh nên dễ dàng vượt qua những cám dỗ này. Thế nhưng từ Trư Bát Giới và Đường Tăng, những nhân vật mang tính người hơn lại dễ dàng bị rơi vào bẫy trên đường thỉnh kinh. Trư Bát Giới không ít lần sa vào vòng tay phụ nữ, còn Đường Tăng thì chỉ trông mặt mà bắt hình dong nên bao giờ cũng bị lừa bởi vẻ ngoài của những cô gái trẻ ngây thơ hiện lành, từ đó mất cảnh giác mà sa vào bẫy, để lão Tôn lại phải chật vật cứu giá. Câu nói “Gái đẹp thường là yêu quái” mà chúng ta hiện nay vẫn hay nghe, xuất phát từ tích Tôn Ngộ Không hễ thấy cô gái nào, dù đẹp tới mấy trên đường thỉnh kinh cũng thường hét lên “Yêu quái, xem gậy của lão Tôn đây”, khiến sư phụ giật cả mình.

Chiến lợi phẩm của thầy trò Đường Tăng là những bộ kinh Phật. Nhưng thực tế giá trị của hành trình này không hoàn toàn nằm ở những bộ kinh tự cổ, mà nằm ở tâm con người có thể loại bỏ được những ác tính, trở nên thông tuệ, mạnh mẽ hơn, cả về thể chất lẫn tinh thần. Câu chuyện cũng kết thúc bằng cột mốc cuối cùng của hành trình, người anh hùng trở về quê hương và sử dụng những chiến lợi phẩm, bảo bối đã tích lũy được trên chặng đường để phục vụ cộng đồng. Lúc này cả núi non cảnh sắc thiên nhiên của nhà Đường dường như đang chào đón các thầy trò. Với 657 bộ kinh Phật. Đường Tăng trở thành một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử tôn giáo Trung Quốc, góp phần không nhỏ trong việc truyền bá mở rộng sức ảnh hưởng của Phật giáo. Trong quan niệm của người dân, cũng chính là những người vun đắp nên những câu chuyện thần thoại, thì anh hùng dù tài giỏi đội trời đạp đất, vá trời lấp biển thì mục đích cuối cùng cũng là để trở về xây dựng lại cuộc sống cộng đồng thêm tốt đẹp hơn.

Tây Du Ký là một tác phẩm đặc biệt có sức sống mãnh liệt, tồn tại qua nhiều thế hệ và được dự báo là sẽ tiếp tục ảnh hưởng cho nhiều năm về sau. Mặc dù được hoàn thành từ tận thế kỉ 16, nhưng nhìn chung Tây Du Ký vẫn có kết cấu sắp xếp và những dấu mốc cơ bản, giống chặng đường Anh Hùng – Hero chung của mọi nền văn hóa và mọi thời đại, là một trong các nét tương đồng giao thoa hiếm hoi trong các quan niệm Đông Tây. Từ hình mẫu anh hùng này, Ngô Thừa Ân đã nói lên tiếng lòng của người dân từ nhiều thế hệ, thể hiện những ước mơ vào công lý và sự tối cao của các vị thần, cũng như gửi gắm thông điệp nhân sinh ý nghĩa răn dạy loài người sống thiện lành tu tập để loại bỏ những thói hư tật xấu, trở lại sự vô tính vốn có với một năng lực tồn tại cao hơn.
Đặt vấn đề: trong thời đại mà Ironman hay Batman – những người bình thường được xây dựng trở thành một người hùng hiện đại-bởi sự giàu có, có còn hay không hình tượng vị anh hùng lý tưởng giàu màu sắc thần kỳ, tỏa sáng ra bốn phía trong phòng tranh văn hóa Đông phương như Tôn Ngộ Không?

ĐỌC TRUYỆN

 

 

Gửi phản hồi