Cuộc sống muôn màu Lịch sử - Chuyện cổ nhân

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – Chỉ có cứu người là chuyện đáng để tranh luận

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh năm Giáp Thìn – 1724 (cũng có tài liệu ghi chép ông sinh năm Canh Tý, 1720) tại làng Liêu Xá, huyện Ðường Hào, Phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên, cuộc đời ông chủ yếu lại gắn bó với quê mẹ thôn Bàu Thượng, xã Tình Diệm, nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông là con thứ bảy (bố là Lê Hữu Mưu, mẹ là bà Bùi Thị Thường) nên thường được gọi là cậu Chiêu Bảy. Dòng tộc ông từng nổi tiếng với truyền thống khoa bảng: Ông nội, bác, chú, anh và em họ đều đỗ tiến sĩ và làm quan to. Thân sinh ông đỗ Ðệ tam giáp Tiến sĩ, làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, gia phong chức Ngự sử, tước Bá, khi mất được truy tặng hàm Thượng thư.

Sinh ra trong một cự tộc, được theo cha học tập ở kinh kỳ, Lê Hữu Trác sớm nổi tiếng tinh anh, thông thạo cả nho, y, lý, số… Nhưng thời đại ông là một trong những thời kỳ rối ren nhất trong lịch sử dân tộc, chiến tranh liên miên, triều chính khủng hoảng, Vua Lê – Chúa Trịnh chèn ép nhau, rồi cát cứ, giao tranh Ðằng trong – Ðằng ngoài, dân tình đói khổ, phiêu tán… Tư chất thông minh, truyền thống gia đình và hoàn cảnh xô đẩy của cuộc đời đã giúp ông sớm nhận thức được bản chất xã hội; vì vậy, khác với nhiều sĩ tử cùng thời, ông đã kiên quyết khước từ con đường cử nghiệp để ẩn về quê mẹ, vừa trông nom gia đình, vừa đọc sách, làm thơ, chữa bệnh cứu người như lời ông tâm sự: “Sá chi vinh nhục việc đời/ Ðem thân đạo nghĩa vào nơi lâm tuyền”.

Hơn 40 năm ẩn cư, mặc dù tự nhận mình là “Lãn Ông” – ông già lười, nhưng thật sự đó là những năm tháng lao động, làm việc cần cù nhất, tâm huyết nhất và cũng đầy sức sáng tạo của Hải Thượng (tên hiệu lấy theo nguyên quán của ông là phủ Thượng Hồng, Hải Dương; Thượng cũng còn có nghĩa là thôn Bàu Thượng, quê mẹ ở Hương Sơn). Cùng với chữa bệnh cứu người, ông đã miệt mài đọc sách, nghiên cứu về y thuật, y lý, tìm kiếm, khảo cứu, điều chế các loài dược liệu trong vùng, tổng hợp, sáng tạo ra nhiều bài thuốc dân gian, nhiều cách chữa bệnh đơn giản, hiệu quả. Ông đã để lại cho đời bộ sách đồ sộ mang tên Hải Thượng y tông tâm lĩnh, gồm 66 quyển, kết tinh toàn bộ tài năng, kinh nghiệm và những suy ngẫm của ông về việc chữa bệnh cứu người. Trong đó, ở quyển mang tên Y dương án, Lãn Ông đã kể lại một số ca cứu chữa thành công của mình, qua đó giúp hậu thế hiểu thêm về tài năng của ông.

Trong Y dương án, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã kể lại câu chuyện ông hai lần phải luận tranh với một viên thầy thuốc người Trung Quốc để đập tan luận điệu bệnh nặng không chữa nổi của người này, khiến ông ta phải tâm phục khẩu phục.

Tranh luận để cứu người

Chuyện kể rằng, tại miền Nghệ An nơi Hải Thượng Lãn Ông sinh sống, có viên thầy thuốc họ Lâm là lang y trong dinh quan giữ đồn Vĩnh Dinh, vốn là người Tàu, khá am hiểu y thuật nên được quan quân rất kính nể. Có một lần, thân mẫu của quan giữ đồn Vĩnh Dinh đã ngoài 70 tuổi bị cảm mạo hơn tháng không khỏi, sau đó lại trót ăn bánh nên đầy bụng khó tiêu. Thầy thuốc họ Lâm dốc sức cứu mà không được, bệnh cứ biến chứng lung tung. Quan Vĩnh Dinh cho là hết cách, một mặt chuẩn bị hậu sự cho bà cụ, mặt khác cho người đi mời Lãn Ông như một cách cầu may.

Lãn Ông thăm khám thì thấy lão phu nhân tinh thần rối loạn, đỉnh đầu nóng như lửa đốt, mồ hôi dầm dề, ngực cũng nóng như lửa, người vật vã không yên, lại thêm chứng trướng khiến càng thêm suy nhược.

Lãn Ông bắt mạch thật kĩ và phát hiện khí âm trong cơ thể gần như tiêu tan hết, khí dương còn không bao nhiêu, tình hình rất nguy ngập. Trong lúc này, nếu theo biểu hiện bệnh mà trị sẽ khiến khí dương càng suy kiệt, ắt tính mạng bị đe doạ. Đó là điều họ Lâm và các thầy thuốc khác không biết, cứ theo bệnh mà chữa, để đến tình cảnh ngày nay. Ông suy tính phải gấp dùng thuốc bồi bổ Thận – thuỷ để giữ gìn nguyên khí, khiến nó thêm sinh sôi thì mới cứu vãn kịp.

Lãn Ông cho mọi người biết với tình hình hiện tại thì nên dùng thang “Bát vị hoàn”, trong đó giảm hai vị thuốc là Đan bì và Trạch tả, thêm vào ba vị là Mạch môn, Ngũ vị và Ngưu tất rồi pha nước Nhân sâm vào cho uống. Ông chẳng ngờ do đó mà nổ ra cuộc tranh luận giằng co với thầy thuốc họ Lâm.

Họ Lâm lắc đầu, cho rằng nhất thiết không nên vì cơ thể lão phu nhân vốn thiên về thể âm, không ưa vị thuốc Thục địa trong thang “Bát vị hoàn”, nếu uống vào thì đầy trướng ngay. Lãn Ông hỏi lại theo ý họ Lâm thì nên làm sao? Họ Lâm nhanh nhảu: “Cấp thì chữa ngọn trước, nên uống bài Trung mãn phân tiêu”. Lãn Ông phản bác ngay: “Chút khí mỏng manh cần phải giữ lại, còn sợ không kịp, làm sao lại còn tiêu khí đi? Tôi lập phương này là chữa mạch chứ không chữa bệnh”.

Họ Lâm không chịu khuất, bảo rằng không được thì dùng bài “Hương sa Lục quân thang”. Biết thang thuốc họ Lâm nói có bao hàm một số vị thuốc là Nhân sâm, Trần bì, Bán hạ, Sa nhân đều là các thứ không thể đưa vào người lão phu nhân lúc này, Lãn Ông càng phản ứng dữ: “Nhân sâm và Trần bì thì lại giúp cho việc tiết mất nguyên khí, phàm những phương thuốc chữa bệnh nguy cấp người xưa không dám để hai vị này đồng đội với nhau, vả lại Bán hạ tính hoạt, Sa nhân cay thơm, cũng không phải là thuốc cố bản”. Họ Lâm vẫn cố cãi: “Tôi từ trước đến nay vẫn điều thuốc cho phu nhân, nếu uống Thục địa vào thì bĩ đầy ngay”.

Thấy hai bên đôi co mãi, quan đồn Vĩnh Dinh sốt ruột, nói thẳng với Lãn Ông rằng dùng Thục địa không được, phải đổi phương khác, không thì phải bớt một nửa. Nào ngờ Lãn Ông vẫn quả quyết: “Bài Bát vị dùng Thục địa làm quân, là trọng ở chân âm, bổ thuỷ để phối hoả, tư âm để dưỡng dương…, nay bệnh đương thuỷ suy hoả bốc, giảm Thục địa đi thì quân chủ yếu lấy chi mà điều khiển được các vị khác, như thế thì chỉ có tiếng là Bát vị mà không có thực chất Bát vị”.

Quan lớn nghe thế càng nghi ngại, cứ dùng dằng không quyết. Lãn Ông hết cách thuyết phục, đành xin cáo lui.

Khi Lãn Ông mới ra đến cổng thì gặp người cháu họ của quan giữ đồn đang đi vào. Vốn nghe danh và trọng tài Lãn Ông, người cháu quan giữ đồn liền giữ Lãn Ông lại, mời ông cùng vào để mình phân tích thiệt hơn cho quan lớn nghe.

Thấy Lãn Ông quay vào, quan lớn lại hỏi. Ông vẫn trả lời như cũ, không thay đổi lời nào, lời nói và sắc mặt còn nghiêm nghị hơn trước. Người cháu quan cũng hết sức nói giúp. Bấy giờ quan lớn mới bất đắc dĩ chấp thuận.

Được lời như cởi tấm lòng, Lãn Ông theo phương đã vạch, tự thân xuống bếp sắc nấu. Quả nhiên uống hết một thang thì lão phu nhân cơn nóng lui hết, bớt ra mồ hôi, tinh thần tỉnh táo, đã có thể ăn được đôi chút. Lãn Ông hiểu đó là vì khí dương chưa về hết chỗ cũ, liền điều chế bài thuốc “Sinh mạch” để người bệnh uống thay nước chè. Dùng “Bát vị hoàn thang” kết hợp với uống bài “Sinh mạch” thêm vài thang nữa thì lão phu nhân ăn uống ngày càng khá. Sau khoảng 10 ngày, bệnh nhân khỏi hẳn, thấy còn khoẻ mạnh hơn xưa.

Viên quan từ đấy tuy vẫn dùng họ Lâm nhưng mỗi khi trong nhà có người mắc trọng bệnh đều cậy nhờ đến Lãn Ông.

Lần thứ hai đối đầu họ Lâm của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Sau lần chữa khỏi bệnh cho thân mẫu quan trấn giữ Vĩnh Dinh, Hải Thượng Lãn Ông thường qua lại nơi này. Viên thầy thuốc họ Lâm vẫn hành nghề như cũ. Có điều trong thực tâm, người này vẫn tự phụ về tài năng, cho rằng Hải Thượng Lãn Ông chỉ là một ông lang bình thường mà thôi.

Một lần nọ, khi đang đi trên đường, họ Lâm tình cờ gặp Hải Thượng Lãn Ông. Thấy Lãn Ông bắt chuyện và hỏi thăm, họ Lâm mới thuật rõ đầu đuôi việc mình vừa làm.

Số là viên tiểu tướng trong đồn Vĩnh Dinh tên Huấn Vũ, ngày nọ đang nhồi bùn trát nhà bỗng nhiên ngã lăn ra, chân tay cứng đơ, mình ngay như cây gỗ và nóng như lửa đốt, mắt nhắm miệng ngậm chặt, trong miệng có rất nhiều đờm, mê sảng không biết gì, đại tiểu tiện rất bí. Huấn Vũ bị như thế đã hai ngày đêm. Người nhà mời 4, 5 thầy thuốc đến, ai cũng cho là bị trúng phong (ngày nay gọi là tai biến mạch máu não, đột quỵ). Họ dùng các thuốc chủ trị chứng này nhưng tất cả đều không công hiệu.

Sau đó bệnh càng nhiều biến chứng. Bệnh nhân miệng há hốc, mắt mở trừng trừng, tay chân lạnh toát, mình cứng đơ không xoay trở được, đại tiểu tiện mất kiểm soát, cứ tự són ra. Gia quyến thấy nguy cấp quá mới đi mời thầy thuốc họ Lâm.

Họ Lâm đến xem bệnh, bắt mạch hồi lâu rồi phán như đinh đóng cột rằng: “Sáu mạch trầm tuyệt, chứng chết đã rõ, không còn lẽ nào sống được”. Nói xong thì về thẳng. Họ Lâm đi chưa được bao lâu thì gặp Lãn Ông. Qua lời Lâm, Lãn Ông biết được sự tình của bạn mình (Lãn Ông và Huấn Vũ có giao tình rất tốt). Ông vội kéo họ Lâm cùng trở lại nhà Huấn Vũ.

Đến nơi, Lãn Ông thấy rằng mắt Huấn Vũ tuy đã đờ đẫn đi nhưng con ngươi vẫn còn chuyển động, tay chân tuy lạnh nhưng thân thể còn hơi ấm. Huấn Vũ không nói được, chỉ ứa nước mắt nhìn bạn.

Lãn Ông bắt mạch thì thấy hai mạch Xung dương và Thái khê vẫn đập như thường, hỏi kĩ lại thì mới biết do dùng nhầm thuốc nên càng thêm nặng chứ không phải bệnh tự phát các biến chứng. Huấn Vũ vốn thể chất không khoẻ, khí âm khí dương trong cơ thể đều hư hao nên chẳng may bị như vậy, rõ ràng là cơ thể suy nhược quá độ nên tự sinh ra bệnh làm cho khí ở trong bị hao hụt nên người mới lạnh toát; vì vậy, dù bên ngoài có biểu hiện của chứng trúng phong nhưng chỉ là giả tượng mà thôi. Các thầy thuốc khác không hiểu hết cái lẽ của căn bệnh, cứ máy móc theo biểu hiện mà trị làm bệnh thêm nguy, khiến tính mạng bệnh nhân như chuông treo sợi chỉ.

Sau khi phân tích kĩ mọi lẽ, Lãn Ông cam đoan với vợ con Huấn Vũ: “Bệnh này tuy khó khăn thực, nhưng tôi hết sức, tất cứu vãn được”. Ai cũng trông mong hi vọng, duy chỉ họ Lâm cười mà mỉa mai rằng: “Ông chữa sống được bệnh nhân này thực là người thần, tôi xin đi hầu ông, không dám làm thuốc nữa!”.

Trước sự thiếu hiểu biết nhưng cao ngạo và khinh miệt của họ Lâm, Lãn Ông không thèm đôi co, chỉ tuyên bố: “Tôi không chữa khỏi được bệnh này, thề cũng không dám làm thuốc nữa!”. Nói xong, mỗi người đi một ngả.

Lãn Ông dùng bài thuốc “Sâm phụ thang”, điều chế thành dạng viên (gọi là tễ) và cho Huấn Vũ uống. Huấn Vũ dùng hết hai tễ, trong khoảng từ giờ Ngọ (11-13 giờ) đến sau giờ Mùi (13-15 giờ) thì chân tay nóng lại như trước, mắt đã nhắm được lim dim, lưỡi đã chuyển động ra vào được, chỉ có ở rốn vẫn nóng như lửa. Lãn Ông biết là khí dương trong cơ thể đã hồi phục, như thế thì bệnh tất khỏi, không phải lo lắng quá nữa. Ông liền thay thuốc, dùng thang “Bát vị” có điều thêm các vị Ngưu tất, Đỗ trọng, Ngũ vị, điều chế thành dạng viên rồi cho uống. Sau 3 tễ quả nhiên Huấn Vũ mở và nhắm mắt được, miệng biết nhai nuốt trở lại, có thể trở mình, bụng biết đói, da biết đau ngứa, đại tiểu tiện dần được điều hòa. Mặc dù vậy, chân tay ông vẫn chưa co duỗi được, nói năng còn ú ớ.

Lê Hữu Trác lại chế bài “Bát vị”, nhưng bỏ vị thuốc Phụ tử mà thay bằng các vị Ngưu tất, Đỗ trọng, Đương quy, Bạch thược, Lộc nhung, cho uống xen với thang thuốc “Quy tì” có bỏ vị Mộc hương mà thêm vị Quế tâm. Cứ như vậy điều bổ hơn một tháng thì Huấn Vũ khỏi hết các chứng, đi lại như thường, khí lực tinh thần lại khỏe hơn trước. Trên dưới trong nhà Huấn Vũ, ai cũng mến đức nhớ ơn, xem Lãn Ông là vị đại ân nhân của gia đình.

Một lần nữa, sau khi kể lại câu chuyện, Lãn Ông đã tự rút ra bài học cho mình. Đây cũng là kinh nghiệm rất hữu ích cho những lương y đời sau. Theo Lãn Ông thì qua lần này mới “càng thấy câu: “Chữa bệnh tất phải tìm đến gốc, chữa ngàn người không sểnh một người” thực đúng không sai. Người không tinh, hễ thấy thốt nhiên ngã lăn ra liền cho là phong, ví như một cái cây, gốc rễ vững vàng, dù rằng gió táp mưa sa, cũng không siêu đổ được, mà đã đến phải siêu đổ, đều là do gốc rễ không vững chắc cả”.

Về phần thầy thuốc họ Lâm, sau khi biết Huấn Vũ khỏi bệnh, mới rõ thực sự bản thân quá kém cỏi, y thuật không bằng người nhưng cứ lớn tiếng khích bác, chê bai nên rất lấy làm hổ thẹn. Từ đó mỗi khi gặp, họ Lâm đều có ý bẽn lẽn, không dám kênh kiệu như trước. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cũng không chấp nhặt, chẳng bao giờ nhắc lại chuyện cũ.

Dưới đây là bộ sách Hải thượng Y Tôn tâm lĩnh gồm 5 bộ, XB bởi nhà sách Khai Trí 1971, dịch giả Đình Thụ – Hoàng Văn Hòe (đang trong quá trình pdf hóa, sẽ sớm chia sẻ cho bạn đọc quan tâm) – Các cuốn sách chia sẻ trên website tinhkhicong.org có mục đích lưu trữ các giá trị tri thức, tránh sự phá hoại của thời gian.

Gửi phản hồi