Cuộc sống muôn màu Triết học, khoa học, khám phá

Thư giãn – Triết học, triết lý, triết tếu

Nói đến triết học, hẳn đa số những người dân Việt Nam ngoài 20 tuổi sẽ nghĩ ngay tới bộ môn Triết học Mac-Lenin, cùng những ngày “kinh hoàng” thời sinh viên, để làm sao hiểu được và cố gắng đạt điểm số đủ qua môn từ những câu đại loại như:

Đó có lẽ là những kí ức không mấy vui vẻ khi nghĩ tới triết học.

Tư tưởng triết học cổ kim đương nhiên không chỉ gói gọn trong lý luận triết học Mac-le. Khi đi vào tìm hiểu lịch sử phát triển của triết học, ta nhận ra rằng đó là một quá trình phát triển nhận thức tư duy của con người, thông qua quá trình lý luận các thế giới quan, mục đích luận, bản chất luận, phương pháp luận nhằm đi sâu vào cố gắng trả lời các CÂU HỎI LỚN: Bản thể là gì? Bản chất  của thực tại là gì? Chúng ta có ý chí tự do không? Vũ trụ có mục đích không?… Với sự trừu tượng ngay từ câu hỏi, những người tiếp cận tới việc tìm hiểu một tư tưởng nào đó trong triết học dễ dàng bị chìm nghỉm trong các lý luận hàn lâm không thể thoát ra, và chính điều này thể hiện trong lịch sử những bức tranh sự đau khổ của cổ nhân. Trang Tử, nhà triết học Đạo gia cổ đại, tỉnh dậy từ một giấc mơ trong đó ông là một con bướm, nhưng ông tự hỏi: hay thật ra ông là một con bướm lúc này đang mơ mình là Trang Tử!

Tôi được tiếp cận kiến thức từ một nhà khoa học cũng là một bậc thầy hiền triết đương đại (Thầy tôi) rằng: “Bản chất của câu hỏi ĐÚNG, là phải bao hàm được câu trả lời.” Một câu mang đậm tính triết học mà mới nghe có lẽ khó mà hiểu được. Sau đó, tôi chợt nhận ra rằng nếu con người có thể đạt tới khả năng đặt ra những câu hỏi đã bao hàm câu trả lời rồi, thì có lẽ sẽ không phải có những bất lực hay đau khổ để tìm kiếm giải đáp cho chính mình nữa – không còn sự bất an hay sợ hãi nào nữa.

Hãy thử liên hệ một câu chuyện dưới đây:

Hỏi: Nếu thần Atlas đỡ địa cầu, vậy thì ai đỡ thần Atlas?

Trả lời: Thần Atlas đứng trên lưng con rùa.

Hỏi: Nhưng con rùa ấy đứng trên cái gì?

Trả lời: Một con rùa khác.

Hỏi: Thế con rùa khác ấy đứng trên cái gì?

Trả lời: Bạn thân mến, trở xuống toàn là rùa hết lượt.

Bạn đã hài lòng với câu trả lời cuối cùng? Đây là minh họa hoàn hảo cho khái niệm triết học về sự hồi quy vô tận, một khái niệm nảy sinh khi chúng ta đặt câu hỏi liệu có hay không một Nguyên Nhân Đầu Tiên – của cuộc sống, vũ trụ, của thời gian và không gian, hay quan trọng nhất là của một Đấng Sáng Tạo thậm chí là cái gì sáng tạo ra Đấng Sáng Tạo, và đằng sau nữa… nếu bạn vẫn đang cho rằng đây là “cách tư duy đúng” để tìm về bản chất và truy tìm được gốc rễ của sự hiểu biết. Giờ hãy đọc lại câu trả lời cuối của câu truyện trên. Bằng việc kết thúc câu chuyện không hồi kết bởi một câu nói “Trở xuống toàn rùa hết” có thể làm hài lòng hoặc không một số lượng người nghe, yếu tố hài hước của câu nói cũng làm xoa dịu bớt cảm xúc của những người chưa thỏa mãn với câu trả lời.

Thực tế chúng ta hay dùng tư duy lý trí của bản thân để quyết định một vấn đề là đúng hay sai, nhưng trong triết học có một khái niệm về sự tồn tại nội tại, độc lập với ý thức con người của sự vật và hiện tượng. Ví dụ bạn không thể dùng ý trí của mình để khẳng định câu nói sau là đúng hay sai: “Đây là một câu nói sai!” hoặc là “Điều chắc chắn đúng là chẳng có gì là chắc chắn đúng cả”. Đôi khi sự hiểu biết thêm về điều này có thể sẽ tạo lợi thế nhiều cho bạn, ví như câu chuyện dưới đây:

Một nhà thám hiểm đi lạc trong khu rừng, và bị một bộ lạc thổ dân bắt được. Vị trưởng bộ lạc đưa ra một phán quyết: “Ngươi đã xâm phạm lãnh thổ chúng ta nên phải chết. Tuy nhiên ta cho ngươi nói một lời trước khi chết, nếu câu nói đó đúng thì ngươi sẽ bị chặt đầu, sai ngươi sẽ bị treo cổ. Án phạt được thi hành vào ngày mai” Nhà thám hiểm nghĩ một lúc rồi đáp: “Ngày mai tôi sẽ bị treo cổ ” Và thế là nhà thám hiểm được thả tự do, vì trưởng bộ lạc không thể làm trái với lời nói của mình.

Một trong những thắc mắc phổ biến trong triết học là đi tìm ý nghĩa và giá trị của cuộc sống.

Một kẻ tầm sư học đạo nghe nói vị guru thông thái nhất toàn cõi Ấn Độ sống trên đỉnh ngọn núi cao nhất. Vì vậy anh ta vất vả lặn lội khắp núi non và thành Delhi cho đến khi tới được ngọn núi trứ danh nọ. Ngọn núi dốc đứng quá sức tưởng tượng, anh ta trầy trật leo lên ngã xuống không ít lần. Lên được tới đỉnh núi, anh ta trầy xước thâm tím khắp cả mình mẩy, nhưng rốt cuộc đã gặp được vị guru đang ngồi kiết già trước cửa hang. “Ôi, thưa tôn sư thông thái,” kẻ tầm sư học đạo lên tiếng. “Con đến để hỏi thầy bí mật của cuộc sống là gì ạ.” “À, bí mật của cuộc sống,” vị guru nói. “Bí mật của cuộc sống là một tách trà.” “Một tách trà? Con cực nhọc đi bao đường đất tới đây để tìm ý nghĩa cuộc sống, thế mà thầy lại bảo con rằng nó là một tách trà thôi ư!” Vị guru nhún vai: ” Vậy có thể nó không phải là một tách trà.”

Như vậy, vị guru thừa nhận rằng xác định được telos của cuộc sống là điều nan giải. Hơn nữa, không phải với ai nó cũng là một tách trà. Câu chuyện này làm tôi nhớ lại một lần tôi có hỏi Thầy tôi:

Tôi: Con thưa Thầy, đích đến của việc tu Đạo là gì ạ?

Thầy: Đạo không có đích đến, chỉ có điểm nghỉ ở giữa thôi.

Tôi: Vậy các điểm nghỉ đó là gì ạ?

Thầy: Trước nay thì hay nói tới bốn thứ: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Bốn cái này nghe đã có vẻ ghê gớm lắm rồi, nhưng còn có cái thứ 5 nữa có biết là gì không?

Tôi:….()

Thầy: Là PHẢI HỌC.

Vâng, thật may là tôi đã không hỏi tiếp Thầy tôi đích đến của sự HỌC.

Sự phát triển của khoa học luôn gắn liền với một nền tảng tư tưởng triết học đương thời, trong lịch sử đa số các nhà khoa học kiệt xuất cũng là những triết gia lớn. Thực tế là nền tảng cơ bản được chấp nhận của Triết học tạo tiền đề cho sự tư duy phát triển tri thức khoa học. Làm thế nào để hiểu được tư tưởng triết học gắn liền với khoa học luôn là điều không dễ dàng – hay nói vui là: rất hại não. Nhưng thông qua cách tiếp cận khá mới mẻ “Triết tếu”, có lẽ thay vì đau đầu để hiểu, chúng ta có thể lại xem đó là một cách thư giãn nhẹ nhàng cho trí óc của mình, và đồng thời vẫn tiếp cận được lịch sử phát triển tư tưởng của nhân loại. Ví dụ như thử xem xét cách đánh giá về câu nói nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử triết học: “Tôi tư duy nên tôi tồn tại”, liệu có thể đổi thành “Tôi ăn cơm nên tôi tồn tại” được không?

Một câu hỏi cuối mang đầy tính triết lý dành cho người viết: “Có nên đăng bài viết này không?”, và… bạn biết rồi đấy, đây là một câu hỏi Đúng.

Gửi phản hồi