Sách hay VĂN HỌC-NGHỆ THUẬT

SÁCH TRANG TỬ TÂM ĐẮC – Yu Dan

Sách Trang Tử còn gọi là Nam Hoa Kinh, kể rất nhiều câu chuyện, và mọi đạo lý trong đó đều rất chất phác hợp với tự nhiên. Bí mật trong đó chỉ có một, đó là: Đạo lớn hợp với tự nhiên. Giáo sư Vu Đan là một trong những học giả nổi danh ở mảng văn hóa truyền thống Trung Quốc, những bài giảng của bà về Nam hoa kinh của Trang Tử và Luận ngữ của Khổng Tử phát trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc luôn chiếm được rất nhiều cảm tình của người xem.

Sách Trang Tử thoạt xem có vẻ giống như những “mậu du chi thuyết, hoang đường chi ngôn, vô đoan nhai chi từ” (thuyết sai lầm, lời hoang đường, từ ngữ vô cớ), nhưng qua những phân tích của Yu Dan và nếu thực sự liên hệ tư tưởng của Trang Tử với trạng thái của chính chúng ta, bạn sẽ nhận thấy mỗi câu chuyện của ông đều rất gần gũi với lòng người.

**********************

… theo lời Trang Tử, cảnh giới cao nhất của cuộc sống chính là hoàn thành một chuyến tiêu dao du giữa trời đất, có nghĩa là nhìn thấu những chướng ngại rào cản trong lòng, tìm thấy vị trí của cuộc sống trong vũ trụ trời đất bao la.

(Trang 18 – Chương 1 Trang Tử là người như thế nào)

**********************

…Điều quan trọng không phải là về khách quan chúng ta có cơ hội như thế nào, mà là về chủ quan chúng ta có tấm lòng như thế nào; không phải là khách quan tạo cho chúng ta những cơ hội nào, mà là tâm trí của chúng ta xác lập giá trị quan như thế nào trong việc phán đoán sự hữu dụng và vô dụng.

(Trang 33 – Chương 2 Tầm vóc có lớn có nhỏ)

**********************

…Muốn nhìn thấy cảnh giới lớn thì phải xem chúng ta có tâm hồn tĩnh lặng, có đôi mắt trí tuệ hay không. Chỉ cần tĩnh tâm lại, thực sự có một khoảng trống trong tâm hồn để có cái nhìn thấu suốt, chúng ta sẽ thấy ở chỗ không ngờ tới lại có rất nhiều điều chí lý.

(Trang 37 – Chương 3 Cảm ngộ và vượt qua)

**********************

…Thời đại ngày nay có lẽ cần những đôi mắt “lửa thử vàng” hơn, cần tự soi tự kiểm hơn, cần thoát khỏi tiêu chuẩn bên ngoài hơn cả thời đại của Trang Tử, để đánh giá năng lực của mình và đánh giá năng lực của người khác.

(Trang 62 – Chương 4 Nhận thức chính mình)

**********************

….Sức mạnh thật sự của một con người không biểu hiện ở một tài hoa trác việt hay kỹ năng tuyệt diệu nào đó, chính sức mạnh nội tâm mới là sự hấp dẫn lâu bền đối với người khác.

(Trang 65 – Chương 5 Luôn có đường để đi)

**********************

…Trang Tử nói: “Bậc chân nhân thuở xưa không ham sống, cũng không biết sợ cái chết. Ra đời cũng không thấy mừng, chết đi cũng không từ chối. Tự do tự tại đến với cõi đời, ra đi cũng tự do tự tại. Họ không hề quên mình từ đâu đến, cũng không cố tìm hiểu nơi mình sẽ đến. Có việc thì vui vẻ đón nhận, quên cả sống chết, trở về với tự nhiên. Họ hoàn toàn không vì ham muốn trong lòng mà phá hoại đạo trời, cũng không có ý làm điều gì để phụ cho đạo trời”.

(Trang 84 – Chương 6 Nói cười luận sinh tử)

**********************

…Chỉ khi cái tâm yên tĩnh, dũng cảm thì khí chất dũng cảm mới thể hiện ra ngoài, vẫn có thể không sợ hãi dù mọi thứ xung quanh không ngừng biến đổi. Đó chính là sự kiên định trong lòng, tức là “nội bất hóa”. Ngày nay chúng ta quá dễ bị chi phối bởi những lời bàn tán bên ngoài. Trong một thời đại phong phú vật chất như thế này, chỉ cần có bảy tám người cùng bàn tán thì sẽ rất dễ dàng thay đổi suy nghĩ của một người.

(Trang 92 – Chương 7 Kiên trì và thuận theo)

**********************

…Bản thân hạnh phúc và vui vẻ trong cuộc đời thực ra đã là một phần của cuộc sống, cố tình theo đuổi sẽ không bao giờ có được. Nhưng nếu biết sống nghiêm túc thì hạnh phúc và vui vẻ sẽ luôn đi theo bạn. Kỳ thực đó gọi là “vô tâm đắc” (cái được do vô tâm, không cưỡng cầu).

(Trang107 – Chương 8 Bản tính và ngộ tính)

**********************

…Con người làm việc muốn làm tốt thì phải vượt qua ba giai đoạn: quên lợi, quên danh, quên mình.

(Trang 127 Chương 9 Tâm thái và trạng thái)

**********************

…Trên đời này, thứ thật sự quan trọng chẳng gì ngoài nhận biết chính mình, làm cho sự sống của mình hợp với đạo lớn, điều đó sẽ giúp chúng ta bớt đi rất nhiều đường vòng.

(Trang 137 Chương 10 Đạo lớn và tự nhiên)

Gửi phản hồi