Cuộc sống muôn màu Sách hay Tàng thư các Văn hóa - Đời sống

LĨNH NAM CHÍCH QUÁI (XB 1961) – MỘT CHÚT LỊCH SỬ – DÂN TỘC

“Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Mỗi con dân đất Việt đều tự hào khi cả nước có chung một ngày giỗ Tổ, thờ một vị tổ chung, điều mà hầu như không quốc gia nào có được.

VIỆT NAM THẾ CHÍ TỰ – HỒ TÔNG THỐC (1324 -1404)

Việt Nam thế chí là một cuốn sách sử biên soạn về các đời vua của nước ta, song đến nay đã thất truyền, chỉ còn lại bài tự này. Hai chữ “Việt Nam” theo khảo cứu xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử là từ tập sách này.
(Nguồn: Thơ văn Lý Trần (tập III), NXB Khoa học xã hội, 1978)

Trong tác phẩm Văn tịch chí bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1782 – 1840), ghi lại bộ Việt Nam thế chí ghi thế phả 18 đời Hùng Vương

Nguyên văn chữ Nôm – bản dịch của Trần Văn Giáp

Sách chép về thế phả, vốn có từ lâu, khảo xét các đời đã qua để rõ nguồn gốc lưu truyền, kê cứu những điều truyền văn, để rõ những tiêu chuẩn xưa nay. Hiềm vì chuyện tin chuyện ngờ lẫn nhau, có điều chưa hợp hẳn với lòng người. Nhưng việc đời biến đổi khác nhau thì làm sao lại khỏi có những điều quái gở. Nghìn năm về sau, khó lòng biết được đầy đủ, mà tìm trong sách vở cũng không thể tra cứu vào đâu được. Bởi vậy, ghi chép về nguồn gốc thực là nhọc lòng lắm. Có người hỏi tôi rằng: Bỏ cái lạ giữ cái thường là đạo của thánh hiền, tại sao ông lại câu nệ theo cũ, không nêu rõ lời mới để đổi hẳn thói mê hoặc của đời?

Tôi đáp rằng: Thời thái cổ còn hỗn mang, chưa phân biệt trời đất, ngay trung thổ cũng còn có nhiều thuyết hoang đường, như những chuyện vá trời, húc núi, lấy chân ngao làm cột trời, mười mặt trời cùng mọc, v.v…, đời sau cứ theo sách mà bàn luận, không kê cứu vào đâu được, đúng hay không đúng, vẫn còn ghi chép trong sử sách. Huống chi đất Việt ta ở vào cõi xa, sự hiểu biết cũng khác, từ đời hồng hoang thời gian xa cách, trong lúc mới mở mang, sách vở chưa đầy đủ, lễ nhạc chưa làm, nếu cho là có thực thì bởi đâu mà biết? Nếu cho là không có, thì do đâu mà xét ra? Cho nên những chuyện góp nhặt được đều là lượm lặt ở tiếng vang chuyện đồn, trích lấy đầu đuôi để cho biết rõ về phả ký từng đời mà thôi, còn những sự tích kỳ quái, lờ mờ khó xét, tạm giữ đó để chờ các bậc quân tử sau này, dám đâu xuyên tạc ra lời quái dị để mê hoặc người đời. Độc giả nên lưu tâm nhận kỹ, cố sức suy nghiệm thì sẽ rõ ngọc đá; thấy được tiếng vang hình bóng của lịch sử; tôi đâu tự dám cho ý mình là thoả đáng.

Vả lại, nước Nam ta ở vào dải đất nóng nực, trong cõi mênh mông, vua sáng đời nào cũng có. Dẫu rằng núi sông rộng lớn, chia biệt mỗi lúc một khác, nhưng từ xưa đến nay, chỉ căn cứ vào tục truyền và dấu vết, hỏi việc về dĩ vãng thì nhờ các cụ già kể chuyện lại; xét nghiệm ở tương lai thì có những đền miếu cúng thờ.

Tôi quên mình hẹp hòi quê hủ, chép sơ lược những chuyện ngụ ngôn, những điều truyền thuyết, muốn đợi các bậc cao minh học rộng tiến bộ sau này, nhận rõ xét kỹ mới có thể biết được trước sau mà không tự nhầm lẫn. Nếu có ai sửa lại cho tập này được đúng, cho lời chép được hay, đẽo gọt kỹ càng, rồi đem in ra, để mọi người thấy rõ việc xưa nay và hiểu thấu lẽ huyền vi, thì đó cũng là một bộ sử ký trong các truyện cổ chăng? Vậy làm tựa.

THÔNG TIN BỊ MẤT – SỰ ĐỨT GÃY LỊCH SỬ

Cương mục chép năm Kỷ Hợi (1419), giặc Minh sai đem “các sự tích và sử sách của nước ta từ đời Trần trở về trước đều tịch thu đưa về Kim Lăng”. Theo ghi nhận của Lịch triều hiến chương loại chí, ngoài các tập thơ văn thì người Minh còn tịch thu một số sách sử và sách văn hóa của Đại Việt, có thể kể tới Việt Nam thế chí và Việt sử cương mục của Hồ Tông Thốc, Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu. Nhưng vấn đề nảy sinh là nếu người Minh mang các bộ sách đó về Kim Lăng, thì hẳn chúng phải tồn tại ở Kim Lăng hoặc đâu đó chứ không lẽ nào lại biến mất theo dòng lịch sử. So sánh với trường hợp bộ sử (khuyết danh) Đại Việt sử lược được khai thác vài chục năm gần đây, bộ sử này được tìm thấy trong Tứ khố toàn thư, do Tiền Hi Tộ (đời Thanh) hiệu đính và khắc in. Nhưng họ Tiền không phải người đầu tiên ở Trung Quốc biết tới văn bản này, mà ngay từ thời Minh, Đại Việt sử lược đã được ghi nhận trong Văn Uyên các thư mục, trong khi đó, các bộ thi văn sử được Loại chí liệt kê lại không hề được nhắc tới. Phải chăng không hề có chuyện người Minh đem sách của ta về Kim Lăng lưu trữ, mà đã một mồi lửa đem thiêu sạch sẽ?

Chỉ có như vậy mới giải thích được sự biệt tăm tích của chừng ấy tác phẩm lịch sử và văn hóa từ thời Trần trở về trước. Người Minh đã mưu toan xóa bỏ toàn bộ nền văn hóa Đại Việt (và Tiền Đại Việt), biến chúng ta trở thành một dân tộc không có truyền thống lịch sử, không có nền văn hóa riêng. Tính chất Việt chỉ qua một, hai thế hệ sẽ bị bào mòn dưới lưỡi dao Bắc thuộc. Và nếu thành công, người Minh sẽ biến Đại Việt thành một dân tộc (thiểu số) thuộc Trung Quốc, như họ đã thành công với các dân tộc khác thuộc khối Bách Việt.

HOÀN CẢNH LỊCH SỬ QUYẾT ĐỊNH THÔNG TIN LỊCH SỬ

Sau cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi (1418-1427), Nguyễn Trãi, khi soạn bài Đại cáo bình Ngô, đã viết về lịch sử nước ta là: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”. Quan điểm của Nguyễn Trãi và triều đình vua Lê Thái Tổ xác định nhà Triệu là nhà nước khởi đầu lịch sử nước ta. Có lẽ lấy theo thông tin từ bộ Đại Việt Sử Kí. Điều này gây không ít tranh cãi cho các thế hệ tiếp theo.

Trước đó, năm Nhâm Thân (1272), Lê Văn Hưu vâng chỉ soạn xong bộ Đại Việt Sử Kí gồm 30 quyển từ Triệu vũ đế tới Lý Chiêu Hoàng. Tại sao Sử ký chỉ chép từ Triệu Vũ trở về sau mà không lấy An Dương vương hay Hùng vương là tổ của dân tộc? Ấy là bởi hai triều Lý, Trần, chính trị đã ổn định, nền văn hiến đã rực rỡ, nên triều đình không có nhu cầu đưa các yếu tố huyền thoại, kỳ dị vào sử. Thêm nữa, ở thời điểm năm 1272, tức là 1 năm sau khi Hốt Tất Liệt lập triều nhà Nguyên, nhà Nam Tống của dân Hoa Hạ chỉ còn thoi thóp chờ ngày tuyệt diệt. Gốc gác huyền hoặc liên quan đến Thần Nông bên Trung Quốc lại càng không còn giá trị bao nhiêu.
Một phương diện rất quan trọng khác là nhà Trần tìm được một sự tương đồng rất lớn về đường lối ngoại giao của Đại Việt với Nam Việt trong vấn đề ứng xử với Trung Quốc. Sử ký (Tư Mã Thiên) – Nam Việt liệt truyện chép Triệu Văn vương sợ nhà Hán, muốn vào chầu, quần thần can rằng: “Nhà Hán dấy quân đánh Dĩnh cũng là làm cho Nam Việt hoảng sợ. Vả lại tiên vương trước có nói: ‘Phụng sự thiên tử cốt không thất lễ, không nên nghe lời dỗ ngon dỗ ngọt mà vào chầu.’ Nếu vào chầu thì không được về, đó là cái thế mất nước đấy.” Giai đoạn năm 1272, vua tôi nhà Trần đang đấu tranh rất dữ với triều đình nhà Nguyên, đặc biệt trong vấn đề bắt vua ta sang triều kiến. Sử ký thời đó lấy Triệu Đà làm thủy tổ của nước Việt, chính là muốn dùng ý chí sắt đá, lời lẽ cương quyết để cổ vũ tinh thần chống lại yêu cầu bắt Đại Việt nội phụ, bắt vua Việt vào chầu của nhà Nguyên. Nhà Hán khi xưa mạnh nhường ấy, từng đánh đuổi rợ Hung Nô (cũng được coi là một trong các tộc tổ tiên của người Mông Cổ), mà nhà Triệu đất Nam Việt xong quyết không nội phụ, quyết không vào chầu, thì lẽ đâu nhà Trần vừa đánh đuổi người Mông Cổ hơn chục năm trước, lại phải quỵ lụy uốn gối xin hàng quân Hồ Lỗ?

Như vậy, chúng ta có lý do để tin rằng vua tôi nhà Trần soạn bộ Đại Việt Sử Ký, coi Triệu Đà là tổ nước ta, là có dụng ý chính trị hợp lý chứ không phải tình cờ. Tuy nhiên, hai trăm năm sau tình thế đã hoàn toàn đổi khác. Quan hệ Bắc Nam lại càng khác. Bắc triều đã trở lại với quyền cai trị của người Hoa Hạ (triều Minh), còn phương Nam, một vị quân chủ có gốc gác Mường (thiểu số) lên ngôi. Nhà Lê cần một thông điệp chính trị khác, cần xây dựng một gốc gác Việt khác. Vì lẽ đó mà Đại Việt sử ký toàn thư ra đời.

Nhưng cũng phải đến đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), khi công cuộc dựng nước và xây dựng quốc gia sau chiến tranh dần đi vào ổn định, Ngô Sĩ Liên mới bổ sung thêm vào thời đại họ Hồng Bàng và các vua Hùng khi được giao soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư, trở thành thời đại đầu tiên trong lịch sử thay vì nhà Triệu như trong Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu. Trong quá trình biên soạn, bên cạnh các bộ chính sử trước đó và sử sách Trung Quốc, Ngô Sĩ Liên cũng đã thu thập tư liệu từ nhiều nguồn khác, bao gồm dã sử, các bản truyện chí có thể là Việt điện u linh tập hay Lĩnh Nam chích quái được biên chép từ thời Trần cùng với những lời truyền tụng. Tuy là truyền thuyết và truyện dân gian nhưng chúng vẫn được Ngô Sĩ Liên xem là nguồn sử liệu đáng tin cậy. Truyện Kinh Dương vương, Lạc Long Quân và Hùng vương được Ngô Sĩ Liên đưa từ Lĩnh Nam chích quái vào quốc sử lần đầu tiên. Đứng ra ngoài lịch sử, thì các truyền thuyết về thời đại Vua Hùng đã có từ nghìn đời. Những truyền thuyết này cũng đi cùng với quá trình lịch sử của dân tộc, như chuyện trăm trứng gắn với quá trình di cư và từ miền núi tiến về đồng bằng, duyên hải của tổ tiên người Việt. Truyền thuyết Thánh Gióng gắn với dấu mốc của thời kỳ đồ sắt, với chuyện rèn giáp sắt, ngựa sắt. Truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh gắn với quá trình trị thủy của ông cha ta. Còn truyền thuyết bánh chưng – bánh dày, quả dưa hấu… cho biết về lối sống và phong tục của tổ tiên ta thời trước.

Trong bài biểu dâng sách lên nhà vua, Ngô Sĩ Liên chỉ ghi vắn tắt là “Thêm vào Hồng Bàng, Thục vương ngoại kỷ” chứ không giải thích rõ lý do. Có thể Ngô Sĩ Liên thấy cần thiết phải so sánh tương đồng thời kì cùng dòng thời gian lịch sử Trung Quốc, khi họ tự hào có lịch sử trên 5.000 năm, nhưng trong đó đề cập cả các thời kỳ Tam Hoàng, Ngũ Đế mang tính huyền thoại. Do phần lớn tư liệu đã bị hủy hoại thời Minh đô hộ nêu trên, mà các huyền sử với tính xác thực cao được đưa vào chính sử. Cả tập truyện Lĩnh Nam chích quái cũng như phần đầu tiên của bộ Đại Việt sử ký toàn thư đều bắt đầu bằng truyện về họ Hồng Bàng, khởi đầu từ chuyện Kinh Dương Vương cho đến khi Lạc Long Quân và Âu Cơ chia năm mươi người con theo mẹ về núi, năm mươi người con theo cha về ở miền Nam và phong người con trưởng làm Hùng Vương, đóng đô ở Châu Phong. Vì sao thời xưa tổ tiên chúng ta thờ tổ chung là Vua Hùng, chứ không phải đức Lạc Long Quân hay tổ đầu tiên là Lộc Tục? Có lẽ nguyên nhân là các sử quan, triều đình xưa muốn xác định mốc bắt đầu hình thành nhà nước đầu tiên trong lịch sử, dù là sơ khai nhất.

CÁC TRANH LUẬN VỀ 18 ĐỜI VUA HÙNG

Trong “Hỏi gì đáp nấy” (tập 19, NXB Trẻ, 2010, trang 41) Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng viết: “Thật ra thì 18 đời Vua chỉ là con số biểu trưng, có nghĩa là nhiều đời Vua, truyền nối lâu dài. Không ai biết được 18 Vua Hùng có tên là gì đâu, đừng cất công tìm vô ích”.

Nhưng trong “Thế thứ các triều vua Việt Nam”(Nhà xuất bản Giáo dục, 2008, trang 14-15), nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần viết đích danh 18 vị vua Hùng:

  1. Kinh Dương Vương(涇陽王): 2879 – 2794 TCN (số năm trị vì là ước đoán). Huý là Lộc Tục (祿續).
  2. Hùng Hiền vương(雄賢王), còn được gọi là Lạc Long Quân (駱龍君 hoặc 雒龍君 hoặc 貉龍君): 2793 – 2525 TCN. Huý là Sùng Lãm (崇纜).
  3. Hùng Lân vương (雄麟王): 2524 – 2253 TCN
  4. Hùng Việp vương (雄曄王): 2252 – 1913 TCN
  5. Hùng Hi vương (雄犧王): 1912 – 1713 TCN (phần bên trái chữ “hi” 犧 là bộ “ngưu” 牛)
  6. Hùng Huy vương (雄暉王): 1712 – 1632 TCN
  7. Hùng Chiêu vương (雄昭王): 1631 – 1432 TCN
  8. Hùng Vĩ vương (雄暐王): 1431 – 1332 TCN
  9. Hùng Định vương (雄定王): 1331 – 1252 TCN
  10. Hùng Hi vương (雄曦王): 1251 – 1162 TCN (phần bên trái chữ “hi” 犧 là bộ “nhật” 日)
  11. Hùng Trinh vương (雄楨王): 1161 – 1055 TCN
  12. Hùng Vũ vương (雄武王): 1054 – 969 TCN
  13. Hùng Việt vương (雄越王): 968 – 854 TCN
  14. Hùng Anh vương (雄英王): 853 – 755 TCN
  15. Hùng Triêu vương (雄朝王): 754 – 661 TCN
  16. Hùng Tạo vương (雄造王): 660 – 569 TCN
  17. Hùng Nghị vương (雄毅王): 568 – 409 TCN
  18. Hùng Duệ vương (雄睿王): 408 – 258 TCN

18 vị vua Hùng tuổi thọ bao nhiêu?

Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, tính từ thời Kinh Dương Vương (2879 TCN) cho đến hết thời Hùng Vương (năm 258 TCN) kéo dài 2.622 năm. Nhà nước Văn Lang tồn tại đến năm 258 TCN thì bị Thục Phán (tức An Dương Vương) thôn tính. 18 đời vua Hùng nối nhau trị vì trong 2.622 năm(???) Cũng trong Đại Việt sử lược là tác phẩm đầu tiên đề cập tới và dường như dữ kiện đó được nhiều tác phẩm sử học, khảo cứu sau này ghi chép theo, thậm chí các tác phẩm ở dạng diễn ca cũng viết:

Xưng Hùng Vương, cha truyền con nối,
Mười tám đời một mối xa thư,
Cành vàng lá ngọc sởn sơ,
Nước xưng một hiệu, năm dư hai nghìn.
(Thiên Nam minh giá)

Hoặc như một số câu đối ca ngợi về thời đại Hùng Vương cũng đề cập đến có số 18. Thí dụ:

Thập bát truyền vi quân vi vương, trùng xuất tiên nga duy mạt tạo
Ngũ thập tử quy sơn quy hải, biệt trung thần nữ thiệu anh phong.

Nghĩa là:

Mười tám đời truyền làm quân làm vương, hai vị tiên nga cuối dòng họ
Năm mươi con lên núi, xuống biển, một nàng thần nữ nối ngôi cha.

Hay như câu đối:

Nam thiên thập bát thế xa thư, sơ đầu đệ nhất thánh.
Tây nhạc ức vạn niên hương hỏa, thượng đẳng tối linh thần.

Nghĩa là:

Trời Nam 18 đời truyền kiếp, buổi đầu đệ nhất thánh.
Tây nhạc ức vạn năm hương hỏa, thượng đẳng tối linh thần.

Chỉ có 18 đời vua mà cai trị 2.622 năm đã gây ra không ít hoài nghi, tuy nhiên trong các bản Ngọc phả, thần tích như bản Ngọc phả Hùng Vương được soạn năm Thiên Phúc nguyên niên (980) đời vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) nhà Tiền Lê thì không phải là 18 đời vua Hùng mà là 18 nhành/ngành với tổng cộng 180 đời vua:

“Dĩ thượng Hùng đồ thập bát diệp, tỷ phú truyền cơ thái bảo, nhất bách thập bát đại đế vương tốn vị nhất thống sơn hà”

Nghĩa là:

“Mười tám nhành nhà Hùng, ngọc tỷ và ấn tín truyền quyền đại bảo trong khoảng 180 đời nhường ngôi đế vương, một mối non sông xa thư trị nước”.

Nhiều tác phẩm khác như Tân đính Lĩnh Nam chích quái của nhà sử học thời Hậu Lê là Vũ Quỳnh cũng viết là 18 ngành vua Hùng.

Trong Ngọc phả Hùng Vương thì chữ “đời” phải hiểu là chữ “thế” trong Hán tự có nghĩa là không phải một đời người mà là “một dòng gồm nhiều đời”. Hiện ở đình Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội, còn bài vị “Tam Vị Quốc Chúa” thờ 3 vị vua cuối cùng thuộc thế/chi/nhành Hùng Vương thứ 18.

Sơ khai Nam Việt hữu Kinh Dương,
Nhất thống sơn hà thập bát vương.
Dư bách hệ truyền thiên cổ tại,
Ức niên hương hoả ức niên phương.

Nghĩa là:

Mở đầu Nam Việt có Kinh Dương
Mười tám ngành vua, mười tám chương.
Bách Việt sơn hà muôn thuở đó,
Đời đời đèn nến nức thơm hương.

TỰU CHUNG – TÍNH NHẤT THỂ DÂN TỘC

Từ truyền thuyết về Lạc Long Quân – Âu Cơ với câu chuyện bọc trăm trứng mà chúng ta có từ “đồng bào” (cùng chung một bọc), để ghi nhớ rằng tất cả người Việt chúng ta đều là con cháu của các Vua Hùng, của Lạc Long Quân và Âu Cơ. “Chim có tổ, người có tông”, người Việt không chỉ nhớ về ông bà, tổ tiên dòng họ của mình mà còn ghi nhớ về cội nguồn của đất nước, của dân tộc.

Từ đồng bào nhắc nhở con dân nước Việt luôn yêu thương nhau, sát cánh bên nhau, đặc biệt trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. Tâm niệm “đồng bào” giúp người Việt chúng ta giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc qua biến thiên của lịch sử, kể cả qua cả hàng nghìn năm bị các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ, âm mưu phá hoại lịch sử, chia rẽ dân tộc, người Việt cũng không bị đồng hóa. Bằng sự đoàn kết, đồng lòng, với ý chí quyết tâm của những người gắn kết với nhau bởi cùng một nguồn cội, mà người Việt đã không chịu khuất phục trước rất nhiều quân xâm lược mạnh bạo, để giữ vững độc lập, chủ quyền và gìn giữ đất đai cùng văn hóa cha ông cho thế hệ chúng ta.

Là vị tổ chung của cả đất nước, ngày giỗ Vua Hùng là ngày lễ chung của các dân tộc trong cùng mái nhà Việt Nam, mỗi người dân mang dòng máu Việt, dù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, đến ngày giỗ Tổ, lại một lòng hướng về cội nguồn, để cùng ghi nhớ và tự hào về lịch sử, văn hóa ngàn năm của dân tộc. Hy vọng rằng, niềm tự hào đó sẽ mãi luôn được gìn giữ và tiếp nối. Với ý nghĩa và giá trị tinh thần lớn lao xuyên suốt lịch sử như vậy, sự chính xác tuyệt đối của con số toán học hay thời gian có còn nhiều giá trị để tranh luận?

ĐỌC SÁCH

Gửi phản hồi