Lý thuyết tổng quát TKCYT Dưỡng sinh - thế hệ 1 (tham khảo)

Bài 8 – KHÍ BỆNH LÝ HỌC ĐẠI CƯƠNG

1. Quan niệm của Đông phương về nguyên nhân gây bệnh :
1.1. Do ngoại cảm 
Ngoại cảm theo quan niệm Đông phương cổ truyền là lục dâm tà khí, đó là các ngoại khí : phong, hàn, thấp, thử, táo, hỏa (gió độc, khí lạnh, khí ẩm, khí oi bức, khí khô hanh, khí nóng). Bất kỳ thứ nào xâm nhập vào cơ thể một cách thái quá, nếu không hóa giải được đều gây ra bệnh. Theo từng mức độ lục dâm tà khí trước hết nhập vào da (bì mao), sau nhập vào kinh lạc, tiếp tới nhập vào tạng phủ, rồi nhập vào cốt tủy, và cuối cùng nhập vào phá hoại Tam bảo( ). Lục dâm tà khí nhập vào da gọi là biến, nhập vào kinh lạc gọi là loạn, nhập vào tạng phủ gọi là bệnh, nhập vào cốt tủy gọi là tật, nhập Tam bảo sẽ dẫn đến tử vong.
Khí thấy cơ thể phát bệnh thì có nghĩa là bệnh đã xuyên phủ nhập tạng, tức là thấy biểu hiện bệnh ở một tạng thì nhiều tạng khác đã bị nhiễm bệnh rồi. Cho nên có người thấy có bệnh ở khiếu, tuy là nặng nhưng lại dễ chữa, ngược lại có bệnh tưởng nhẹ nhưng đã nhập sâu trong cốt tủy rồi( ) thì đó là bệnh nặng khó chữa, và đã nhập Tam bảo thì cái chết chỉ là trong gang tấc. Chẳng hạn thấy có chứng huyết áp cao hoặc thấp thì tức là các tạng Tâm, Can, Thận ở mức độ nào đó đã bị tổn thương. Như vậy những biểu hiện bề ngoài nhận biết được (triệu chứng) là chứng huyết áp cao hoặc thấp, còn những điều cần được chú ý và quan tâm lại nằm sâu bên trong (là các tạng và hệ chủ : Tâm, Can, Thận).
Lục dâm tà khí có xu hướng gây những chứng bệnh về thực thể, hoặc rối loạn thực thể.
1.2. Do nội thương 
Đó là các trạng thái rối loạn tâm lý. Chẳng hạn như bị kích động giận dữ, giận quá thì hại Can, lo quá thì hại Tỳ,v.v… Theo Y học Đông phương cổ truyền đó là ảnh hưởng của thất tình đến cơ thể, thái quá mà sinh ra bệnh. Cổ nhân nói thất tình gồm : hỉ, nộ, ai, ố, ái, lạc, dục; nghĩa là các trạng thái tâm lý vui mừng, giận dữ, buồn lo, sợ hãi, yêu thương, sung sướng, ham muốn. Các trạng thái tâm lý thái quá làm cho rối loạn thần kinh thực vật, ức chế hoạt động của nó, dẫn đến rối loạn cơ năng gây ra nội thương.
Nếu lục dâm đi từ ngoài vào thì thất tình lại từ trong ra. Nội thương khởi phát từ cơ quan chỉ huy cao nhất là thần kinh trung ương. Bởi vậy gọi nội thương là bệnh tâm lý, hay còn gọi là hư bệnh. Ví dụ như giận quá mà không phát tiết ra ngoài, cứ nén lại sẽ làm hại Tâm dẫn đến ức chế não bộ…
Các cơ quan nội tạng cấu tạo trong cơ thể gọi là thực thể, và lục dâm ảnh hưởng đến chúng gây ra bệnh gọi là thực bệnh. Còn thất tình nội thương gây ra bệnh tâm lý, gây bệnh ở cơ quan điều khiển mà gọi là hư bệnh hay tâm bệnh. Hư bệnh hay tâm bệnh khó giải quyết chữa trị hơn thực bệnh. Những tổn thương ngoại cảm thành thực bệnh dần dần dẫn đến tổn thương phần thực thể, nặng dần sẽ tổn thương đến phần thanh của Khí, rồi đến phần năng lượng và thông tin (ánh sáng) của Khí.
Những ảnh hưởng của thất tình đến cơ thể con người
2. Thế nào là bệnh ?
Đau là bệnh, suy nhược chức năng là bệnh, rối loạn chức năng là bệnh, giảm thiểu chức năng là bệnh, không khai mở được các khả năng và tiềm năng bậc cao là bệnh.
Có nhiều cách giải quyết bệnh mà Khí công đã đưa ra : đau thì phải thanh xả, lấy thanh xả là chính. Nếu suy nhược lấy bổ làm chính, rối loạn lấy hiệu chỉnh làm chính, giảm thiểu lấy kích thích làm chính, còn không khai mở được các khả năng và tiềm năng bậc cao thì phải dụng công phu để khai mở. Những cái gì thuộc phạm vi sử dụng của con người mà không được sử dụng, hay mât quyền sử dụng đều là bệnh cả, không phải cứ đau mới là bệnh. Bởi cơ chế bệnh sinh theo quan niệm Khí công thì bệnh là từ phần thông tin sang phần thực thể. Bệnh khi đủ điều kiện hội tụ ở một phần thực thể nào đó trong cơ thể mà nhận biết được, thì lúc đó phần thông tin đã nhiễm bệnh từ lâu rồi. Còn nguyên nhân gây bệnh cũng đã biểu hiện từ trước đó, nhưng bị con người coi thường bỏ qua hoặc không để ý. Nhưng cũng không nên chỉ nhìn ở triệu chứng và giải quyết nó ở bề ngoài, mà phải tìm bản chất nguồn gốc gây ra các triệu chứng đó, chữa trị tại gốc thì triệu chứng cũng tự nhiên mất theo…
Bất kỳ bệnh ở vùng nào, do nguyên nhân gì và bất kỳ ở trạng thái nào cũng đều tạo ra trạng thái hư khí và có một lượng dư khí không có tác dụng tốt đối với cơ thể. Điều cần thiết ở đây là phải thanh xả những loại khí đó ra, đưa nó từ trong thông xả ra ngoài không để chúng khu trú lại gây độc cho cơ thể. Muốn vậy phải điều Khí từ Đan-điền đến vùng bệnh đó, kích thích vùng bệnh để tán xả các loại hư khí, dư khí ra ngoài và thông xả ra khỏi cơ thể. Muốn có đủ Khí ở Đan-điền để làm việc đó phải đưa thêm ngoại khí vào cơ thể (càng nhiều càng tốt, nhưng lưu ý là nhập phải có xuất, tránh ứ trệ), và chuyển thành nội khí tại Đan-điền rồi điều đến vùng bệnh để kích thích sau đó tán xả ra ngoài cơ thể. Đây là nguyên tắc cơ bản của Khí công chữa bệnh (Thanh Khí công).
3. Quá trình luyện Khí công:
Quá trình luyện Khí công dựa trên cơ sở một quá trình phục hồi, ổn định và nâng cao.
Phục hồi có nghĩa là tự chữa bệnh. ổn định có ý nghĩa tự dưỡng sinh phòng bệnh. Nâng cao là phát triển khả năng sống, đưa khả năng khai mở tiềm năng vốn có thật của con người.
Con người có rất nhiều khả năng kỳ diệu, nhưng do bị ức chế, do ngoại cảnh mà không đánh thức những khả năng đó, không khai mở được chúng, vì vậy mà dần dần chúng bị mai một và con người đã gần như đánh mất chúng.
Quá trình luyện Khí công có trình tự từ thấp đến cao và ổn định. Trước hết phải phục hồi và ổn định tốt rồi mới nâng cao được. Nếu không ổn định thì khi đạt được những công năng cao (tiềm năng) sẽ khó giữ cho nó được bền vững. Tiềm năng cũng như sức khỏe của con người nếu mất đi hoặc hao mòn đi thì khó lấy lại hoặc bù đắp lại (tương tự như bệnh tái phát sẽ khó chữa hơn mới mắc lần đầu). Sau khi đã phục hồi và ổn định nếu không nâng cao tầm mức sinh học thì dễ bị mắc bệnh trở lại.
Tóm lại khi luyện Khí công phải tiến hành tuần tự cho thật tốt từng giai đoạn, từ thấp đến cao, từ phục hồi đến ổn định rồi nâng cao, và phải luôn luôn nâng cao từ tầm mức thấp đến tầm mức cao để tiến tới hoàn thiện.
4. Các hình thức luyện Tĩnh Khí công:
4.1. Các hình thức luyện căn bản
– Tự luyện : Luyện một mình trong trạng thái yên tĩnh.
– Trợ luyện : Luyện trong trạng thái có người khác phát công hỗ trợ.
– Đối luyện : Luyện có đối tác, có người cùng luyện. Luyện Khí công ở mức độ cao thông thường đều có người cùng đối luyện, người phát sẽ phát tốt hơn, người thu sẽ thu tốt hơn.
– Đa luyện : Tức là luyện với Khí trận. Có nhiều loại Khí trận : Ngũ hành trận, Bát quái trận, Ngũ hành – Bát quái liên hợp trận, Cửu cung bát quái trận, Thất tinh trận, Thiên môn trận, v.v… Có thể lập trận bằng nhiều yếu tố, hoặc dùng mỗi người án một bộ vị trong trận, hoặc lập trận đá luyện. Hiệu quả của việc luyện với Khí trận rất cao.
– Dẫn luyện : Luyện với sự dẫn dắt của băng từ (đĩa, mp3 player, cassette), hoặc trong nhóm luyện tập có người dẫn và phát công hỗ trợ.
4.2. Phương pháp luyện 
Trên thực tế có hai phương pháp đen xen nhau một cách đồng bộ, đó là tập và luyện :
– Tập là bước làm quen, tìm hiểu để nắm bắt được kỹ thuật, thực hành theo lý luận và nắm được lý luận thông qua quá trình thưc hành luyện (đó có thể gọi là luyện thử). Bước này chủ yếu để nắm được kỹ năng cơ bản, tạo thành thói quen. Giai đoạn này sự phát động Khí chỉ ở mức độ thấp (ít).
Đặc tính của quá trình tập là :
• Tập là làm cho cơ thể quen và thích hợp với quá trình Tâm – Sinh – Lý của Khí công.
• Tập là luyện từng bộ phận, từng phần; nhất là những bộ phận và phần của cơ thể tỏ ra chưa thích ứng và có vấn đề sai lạc.
• Tập là quá trình không vận khí Tiên thiên mà chủ yếu là vận khí Hậu thiên cho quen.
• Tập là tập khai mở các huyệt đạo bằng Tâm pháp không vận khí.
• Tập là không bị ràng buộc về không gian, thời gian, hay một số yêu cầu bắt buộc khác.
• Tập có thể sử dụng kết hợp với một số phương pháp phụ trợ như xoa bóp, day huyệt, thậm chí có thể vận động quyền cước hay thể dục.
• Tập có thể tham khảo các phương pháp khác bổ sung mà không sợ bị biến động.
• Tập là sử dụng Công phu (có thể xen lẫn Nội công, Ngoại công) nhưng cũng không phát khí mà chỉ mang tính rèn luyện làm quen, tạo lập các phản xạ cần thiết, cùng chuẩn bị các trạng thái Tâm – Sinh – Lý phù hợp.
Ngày nay con người có nhiều ràng buộc, nhiều cái chi phối Tâm. Vì vậy khi luyện khí công phải kéo dài quá trình tập cho đến khi thuần thục mới nên bắt đầu vào luyện, và xen lẫn giữa luyện và tập để đạt kết quả tốt hơn.
– Luyện là đưa cơ thể vào trạng thái Khí luyện thực sự, với quá trình tập trung vận khí cao độ, được như vậy thì luyện mới có kết quả (nhưng kèm theo vẫn phải có điều kiện thuận lợi). Luyện còn có nghĩa là làm cho cơ thể, làm cho tư duy thấm nhuần lý thuyết một cách sâu sắc, và kỹ năng trở nên thuần thục nhuần nhuyễn. Luyện trong trạng thái tập trung cao độ để đạt được bước ngoặt của công năng.
Luyện là quá trình mang đặc tính sau :
• Luyện là cơ chế chính thức đi vào Sinh khí và Hành khí.
• Luyện là vận hành khí theo các kinh mạch để đả thông hai mạch Nhâm, Đốc; đề khí Tiên thiên, tạo ngũ khí nội tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận).
• Luyện là kết hợp khí Tiên thiên và Hậu thiên nhuần nhuyễn.
• Luyện Sinh khí và Hành khí phải chịu ràng buộc về không gian và thời gian, tư thế, chế độ sinh hoạt và một số qui định nghiêm ngặt khác
• Luyện không được phép có phương pháp phụ trợ. Các phương pháp này chỉ có thể tiến hành trước hoặc sau khi luyện.
• Luyện buộc phải chuyên chú vào một phương pháp đã được chọn, không lẫn lộn, không xen kẽ; nếu không sẽ cực kỳ nguy hiểm.
• Trước khi luyện Tâm phải định, hơi thở phải điều hòa, không có biến động trong nội tạng, phải cắt đứt được các tạp niệm.
Trong cuộc sống đời thường hiện nay, không phải lúc nào cũng có điều kiện thuận lợi cho việc luyện. Vì vậy khi không có điều kiện thì tập cho quen, để dần nắm vững lý thuyết, nắm vững kỹ năng, đến khi có điều kiện sẽ luyện( ). Nếu chưa đủ điều kiện đã luyện thì rất dễ gây rối loạn.
Quá trình luyện Khí công phải có những giai đoạn nhất định, bởi vì con người không hoàn toàn cắt bỏ cuộc sống bình thường một thời gian dài. Do đó phải tạo ra những đợt luyện thực sự (nghiêm túc, có chuẩn bị chương trình, luyện tập trung), để tập trung luyện những quá trình vận khí cao độ.
5. Điều kiện luyện Khí công:
Để luyện Khí công có hiệu quả cao, ban đầu phải có điều kiện tốt. Khi mới luyện Khí công, càng có điều kiện thuận lợi càng có khả năng làm chủ Khí tốt. Sau đó chủ động bớt dần những điều kiện tốt để làm sao luyện tập vẫn có kết quả, vẫn có khả năng làm chủ Khí. Cuối cùng là phải luyện được trong điều kiện không thuậnlợi, không tốt. Và bất kỳ trong điều kiện nào vẫn làm chủ được Khí. Như vậy là đã luyện thành.
Luyện Khí công ban đầu cần các điều kiện sau :
5.1. Tĩnh Tâm 
Đây là điều kiện tiên quyết, quan trọng. Tâm có tĩnh thì Khí mới điều hòa. Khí có điều hòa có tĩnh mới có khả năng làm chủ được nó, mới định được Khí vận. Muốn vậy phải loại bỏ những tạp ý, tạm dẹp bỏ những suy nghĩ khác ngoài Khí công trong đầu. Cho nên có thể nói luyện Khí công cũng như đi tu, phải biết quên tạm thời, chỉ tập trung vào luyện Khí. Loại bỏ những yếu tố làm cho loạn Tâm thì mới tập trung được Khí, hội tụ và vận hành được nó.
5.2. Quá trình sinh hoạt
Phải giảm thiểu các hoạt động không cần thiết, nhất là trong thời kỳ luyện tập trung cao độ.
Chế độ sinh hoạt nhẹ nhàng, vận động vừa phải, ăn uống những vật phẩm dễ tiêu hóa. Đúng ra mà nói, trong thời kỳ luyện tập trung cao độ phải ăn chay.
Giấc ngủ phải phụ thuộc vào thời sinh học của bản thân, phụ thuộc vào mục đích luyện. Đặc biệt phải lưu ý đến nhịp sinh học của cơ thể.
Buổi sáng, ban ngày là dương – thực, vậy muốn luyện dương luyện thực phải tiến hành vào buổi sáng và ban ngày. Ban đêm là âm – thanh, muốn luyện âm luyện thanh phải thực hiện vào ban đêm.
Kết hợp các nguyên tắc trên để luyện thế nào cho phù hợp. Có thể luyện trước khi đi ngủ, khi buổi luyện kết thúc cũng là giấc ngủ đã đến, đôi khi như vừa luyện vừa ngủ. Dần dần đưa cơ thể vào trạng thái mộng luyện, luyện trong giấc ngủ, vẫn cảm nhận được quá trình luyện nhưng vẫn đang ngủ.
5.3. Không gian, thời gian và địa điểm 
Không gian, môi trường sinh thái, khí hậu, thời tiết, tính chất của môi trường và thời tiết đều phải phù hợp với mỗi quá trình luyện. Nếu không phù hợp thì cũng phải tốt (tốt chưa chắc đã phù hợp). Phù hợp là điều kiện hay nhất.
Thời gian liên quan đến nhịp sinh học của cơ thể, đến thời sinh học của môi trường. Thời sinh học là chu kỳ biến đổi sinh học bên ngoài cơ thể, nhịp sinh học là chu kỳ biến đổi sinh học bên trong cơ thể. Nếu vận dụng được nhịp sinh học vào quá trình luyện Khí công là tranh thủ được thiên cơ. Chẳng hạn dựa vào vòng Chu thiên mà luyện sẽ đạt kết quả cao. Giờ Ngọ theo vòng Chu thiên là Tâm khí phát vượng, những người suy tim hoặc mắc chứng huyết áp thấp luyện vào giờ Ngọ sẽ có kết quả rất cao.v.v… Tùy theo từng quá trình luyện, từng công pháp mà chọn lấy thời gian trong ngày, trong tháng, trong năm để vận dụng thời sinh học và nhịp sinh học sao cho phù hợp với Thiên khí, Nhân khí.
Nói đến địa điểm là nói đến Địa khí. Không phải chọn nơi luyện chỗ nào cũng như chỗ nào. Tính chất của Địa khí ảnh hưởng đến Nhân khí, đến quá trình hoạt động sinh học của cin người. Trong một ngôi nhà, một căn phòng các góc cũng có tính chất Địa khí khác nhau. Khi có công năng Khí quang hay Khí hình thì dễ xác định được vị trí có Địa khí tốt. Nhưng bình thường thì chỉ có thể dựa vào quá trình hiệu quả đã được chiêm nghiệm, thông qua chiêm lý và nghiệm hành; nói đơn giản hơn là có sự cảm nhận tự nhiên.
Linh địa là nơi có Địa khí cực tốt. Linh địa không những là nơi có khí hậu hay môi trường sinh thái tốt, mà còn là nơi có bức xạ Địa khí tốt lành. Đô thị là nơi Nhân khí phát ra đa số ở trạng thái rối loạn, khắc phục tình trạng đó bằng cách tìm đến vùng linh địa để tránh trạng thái đó.
Tóm lại cần phải tìm được không gian, thời gian và địa điểm phù hợp để luyện Khí bởi Khí công có nghĩa là phải công phu. Bù lại sẽ đạt được hiện quả rất cao về sức khỏe, về việc khai thác các tiềm năng vốn có của con người.

One Comment

Gửi phản hồi